Kiên Giang: Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

15:01 25/08/2021

Tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chuyển biến tiến bộ sau 05 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô, như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; vận dụng, ban hành các chính sách hợp lý để khai thác có hiệu quả các nguồn lực về vốn, lao động, khoa học và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên và các tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh; triển khai thực hiện chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các dự án đầu tư nước ngoài, liên kết doanh nghiệp trong nước, liên kết vùng gắn với đẩy mạnh hội nhập sâu, rộng kinh tế quốc tế tạo sự đồng thuận cao về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa góp phần hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kết quả, năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 68.957 tỷ đồng, tăng 3,05%; cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng: Khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 32,74%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 20,65%, khu vực dịch vụ chiếm 42,67%, thuế nhập khẩu - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,95% trong GRDP. Tổng thu nhập bình quân đầu người ước 2.418 USD/người/năm. 06 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 31.752,57 tỷ đồng, đạt 43,44% kế hoạch năm, tăng 4,52% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng 1,24%).

Thành phố biển Rạch Giá
Thành phố biển Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang.

Về tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định mâu thuẫn, chồng chéo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành. Quan tâm chỉ đạo phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức, giao dịch văn minh, hiện đại; quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; thị trường quyền sử dụng đất... Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư 19 dự án trọng điểm kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Hoàn thành, đưa vào khai thác 43/24 dự án, tổng chiều dài 187/115km đường giao thông huyện, thành phố, với tổng vốn đầu tư 5.092/4.086 tỷ đồng. Hoàn thành dự án “Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi”. Tập trung xây dựng các tuyến đường nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 6.205km/7.084km đường giao thông nông thôn, đạt 87,59%. Đầu tư hoàn thành mạng lưới điện vùng lõm cho các huyện tiếp giáp biển và các xã đảo, qua đó, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về điện phục vụ cho sản xuất lúa và nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng điện toàn tỉnh hiện nay đạt 99,5%. Công tác cấp và quản lý nước sạch được đầu tư nâng cấp về mạng lưới bao phủ và chất lượng nước bảo đảm đồng bộ theo tốc độ mở rộng đô thị, tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đến cuối năm 2020, đạt 88% và 92% chất thải rắn ở đô thị được thu gom, chất lượng cuộc sống khu vực thành thị ngày càng được nâng cao; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,9%.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng 91.174 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 2,92% so với giai đoạn 2011 - 2015); tổ chức tuyển sinh và đào tạo 129.137 người; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp tăng 86.710 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 52% năm 2015 lên 67% năm 2020; giải quyết việc làm cho 185.145 lượt lao động (tăng 19.454 người so với năm 2015), trong đó, có 957 lượt lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Về ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là khoa học công nghệ hiện đại, tỉnh đã triển khai 07 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi và Chương trình cấp thiết phát sinh (có 04 dự án đã nghiệm thu, còn 03, đề tài, dự án đang thực hiện). Đồng thời, phê duyệt, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai 92 đề tài, dự án cấp cơ sở (nghiệm thu 79 đề tài, dự án, còn 13 đề tài, dự án đang thực hiện). Đã ưu tiên tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp (chiếm trên 45%), lĩnh vực khoa học xã hội (chiếm trên 36%). Kết quả các đề tài dự án đã tạo được bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người dân đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Chỉ đạo triển khai thực hiện các kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh theo đúng Luật Đầu tư công. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 226.498 tỷ đồng, bằng 155,81% so với giai đoạn 2011 - 2015. Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020 đến nay cơ bản đúng kế hoạch. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nhân rộng các mô hình sản xuất mới, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 90/116 xã và 03 huyện (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 18,2 tiêu chí/xã.

Công tác phát triển khu vực kinh tế tư nhân được chú trọng, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ giải pháp để phát triển các mô hình kinh tế tư nhân như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,… Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng theo hàng năm (tăng 48,3% về số lượng và tăng 317,8% về vốn so với giai đoạn 2011 - 2015. Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 11.098 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn là 142.137,8 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang cũng tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng kinh tế trọng điểm (Cần Thơ, Cà Mau, An Giang) theo các chủ trương của Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương gắn với quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng củng cố cơ sở an toàn, sẵn sàng chiến đấu.

Trần Hà