Ngành dệt may - một trong những ngành hiện đang có tỷ lệ người lao động bị mất việc cao. Ảnh: THÀNH HOA
Những hệ lụy nguy hiểm từ thất nghiệp
Khủng hoảng việc làm hiện nay bỏ xa các đợt khủng hoảng khác kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930. Đến cuối tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của OECD là 8,4% với 54,4 triệu lao động. Theo ước tính của tổ chức này, tỷ lệ thất nghiệp của các nước thành viên đến cuối năm nay vào khoảng 9,4%, và dự kiến không thể phục hồi trước năm 2021 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm 6% năm nay. Ở nhiều nước, số giờ làm việc giảm gấp 10 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhưng mức độ bị ảnh hưởng của các nhóm lao động trong cùng một nền kinh tế là khác nhau. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm lao động trẻ, phụ nữ, những nhóm công việc được trả lương thấp, công việc tạm thời hay tự kinh doanh. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, những lao động có thu nhập thấp có rủi ro bị mất việc làm gấp 2 lần so với đồng nghiệp có thu nhập cao. Ngoài ra, nhóm lao động có thu nhập cao thì có nhiều khả năng được làm việc tại nhà hơn là lao động có thu nhập thấp vì tính chất công việc của họ có thể làm được qua Internet.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về hệ lụy của thất nghiệp, trong đó có hai hệ lụy chính là đói nghèo và sức khỏe. Rơi vào ngưỡng đói nghèo có thể dễ hình dung đối với những lao động có thu nhập thấp, sẽ nghiêm trọng hơn ở những nơi chế độ bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội chưa đủ đảm bảo. Khi bị rơi vào tình trạng thất nghiệp, các chế độ liên quan đến bảo hiểm y tế cũng bị giảm hoặc cắt, do đó người lao động phải chi trả thêm từ tiền túi của mình nếu không may bị bệnh tật.
Tuy vậy, khả năng rơi vào diện nghèo cũng dễ xảy ra đối với một số lao động có thu nhập cao khi bị thất nghiệp. Đó là vì những người này không có tích lũy dự phòng rủi ro, chi tiêu chủ yếu dựa vào tín dụng trên mức lương hiện tại của mình. Có những người vay mua nhà vượt quá nhu cầu và khả năng tài chính của mình, thường xuyên thay đổi xe, có các chuyến du lịch xa xỉ, dùng nhiều đồ hiệu trong khi các khoản chi này đều dựa vào tín dụng. Khi thất nghiệp ập đến, thu nhập giảm mạnh đột ngột nhưng các khoản nợ định kỳ vẫn phải trả, sẽ dẫn đến túng quẫn như một số trường hợp làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở cuộc khủng hoảng năm 2008.
Hệ lụy thứ hai không kém phần quan trọng là sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tâm lý chung của người bị thất nghiệp là chán nản, căng thẳng, có thể chuyển sang trầm cảm. Những người này cũng có xu hướng gia tăng sử dụng các chất gây nghiện như thuốc lá, thức uống có cồn, hay thậm chí ma túy. Ngay cả ở những nước phát triển có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp tốt, các chế độ an sinh xã hội hỗ trợ cho người lao động thì sang chấn tâm lý của người bị thất nghiệp là rất lớn vì cảm thấy mình là người thất bại, trở thành gánh nặng của xã hội.
Vai trò của bảo hiểm
Trong số các nước có hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội tốt nhất, có thể kể đến nước Pháp. Ở đây, người lao động bị thất nghiệp được hưởng trợ cấp trung bình 79% đối với thu nhập thấp và 64% đối với thu nhập cao, trong khoảng thời gian 24-36 tháng. Với mức trợ cấp này, người lao động vẫn có thể đảm bảo các nhu cầu chi tiêu tối thiểu, nhưng ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý là không thể tránh được.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thất nghiệp ở Việt Nam có lẽ còn nghiêm trọng hơn. Theo thống kê sáu tháng đầu năm 2020, số lao động bị ảnh hưởng lên đến 30 triệu người
Để giảm thiểu hệ lụy của thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp là một công cụ hữu hiệu mà hầu hết các chính phủ đều triển khai để bảo vệ người lao động. Nhưng cách vận hành ở mỗi nước là khác nhau, thậm chí khác nhau giữa các bang trong cùng một nước có thể chế liên bang.
Sự khác nhau về quyền lợi của người lao động thất nghiệp được xác định ở ba yếu tố: tỷ lệ được hưởng so với mức thu nhập trước đó, thời gian được hưởng, và các hỗ trợ tìm việc làm mới. Các nước thường quy định tỷ lệ hưởng ở mức 60-80%, có nước quy định thu nhập cao thì tỷ lệ hưởng thấp hơn để thực hiện chức năng điều tiết. Thời gian được hưởng có thể dao động từ trung bình sáu tháng như ở Mỹ (tùy theo bang), lên đến 24 tháng như ở Pháp, có nước cho gia hạn thêm một thời gian nhưng người lao động phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Cuối cùng là hỗ trợ tìm việc làm mới, cũng với các chính sách và cách thức tổ chức khác nhau.
Ở Việt Nam thì sao?
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thất nghiệp ở Việt Nam có lẽ còn nghiêm trọng hơn. Theo thống kê sáu tháng đầu năm 2020, số lao động bị ảnh hưởng lên đến 30 triệu người, phần lớn bị giảm thu nhập do giảm giờ làm hoặc bị thất nghiệp. Theo quy định hiện nay, người lao động ở Việt Nam được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, với mức hưởng 60% bình quân lương sáu tháng trước đó, và tối đa là 5 lần lương tối thiểu vùng.
Nhưng thu nhập thực tế của rất nhiều người lao động lại không giống như bảng lương để tính bảo hiểm xã hội, vì có nhiều khoản hỗ trợ hay thu nhập tăng thêm được hạch toán để né không tính vào thu nhập đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Lúc này, phần thiệt của người lao động mới thấy được rõ.
Một vấn đề khác của người lao động Việt Nam là tỷ lệ lao động phi chính thức còn rất cao, đến cuối năm 2019 là 54,6% và hầu hết các lao động này không có bảo hiểm xã hội bắt buộc, nghĩa là không có bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy có thể thấy, một phần lớn lao động thất nghiệp do dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ không có trợ cấp thất nghiệp, số có được trợ cấp thì trợ cấp nhận được cũng chênh lệch khá nhiều so với thu nhập thực tế trước đó. Tình cảnh sẽ càng khó khăn hơn đối với các lao động di cư, vì các chi phí nhà ở, ăn uống dù ở mức tối thiểu nhất cũng là một gánh nặng lớn đối với họ.
Mặc dù sự hỗ trợ của gia đình, người thân, bạn bè là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam trong lúc khó khăn, nhưng người lao động cần chú ý hơn đến việc tích cốc phòng cơ, trích dành một phần thu nhập khi đang có việc làm vào một quỹ dự phòng, thường cần đủ cho sáu tháng đến một năm. Quan trọng hơn, cần biết và đấu tranh cho quyền lợi của mình trong việc thực hiện hợp đồng lao động, đưa hết các thu nhập vào chính thức để tính đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cũng cần luôn trau dồi, học thêm những kiến thức cũng như kỹ năng mới, để có khi cần thiết cho việc chuyển đổi sang công việc khác
TS. Võ Đình Trí