Ngày nay công nghiệp phát triển sản xuất ra nhiều loại chất lợp mới vừa đẹp, vừa bền lại khó cháy, nên lá cọ ít được sử dụng. Mùa Xuân là mùa trồng cây, nhiều nơi ở nông thôn người ta đã hủy cả đồi Cọ để trồng rừng sản xuất, diện tích Cọ đang giảm mạnh. Thực tế trên đã làm cho nhiều người luyến tiếc do nét đẹp tự nhiên rất riêng của vùng quê có nhiều đồi Cọ đang mất dần.
Cọ là cây bản địa lâu đời ở các vùng quê Trung du và miền núi phía Bắc nước ta. Trước đây người dân thường trồng thành đồi với mục đích lấy lá để lợp nhà và chuồng trại chăn nuôi. Cọ có hai loại là Cọ lá bản to và Cọ xẻ. Cọ là cây đa tác dụng, do có bộ rễ rất phát triển ăn sâu và đi xa trong lòng đất, không bị đổ trước bão dông trừ khi sạt lở núi; lá Cọ phát triển xòe ngang tạo bóng mát rất êm dịu, mỗi cây thường ra 12 lá/năm, 2-3 năm khai thác một lần làm chất lợp; khi cây ra quả thì khai thác quả. Nếu không khai thác lá và quả thì lá già tự khô treo rủ xuống làm nơi trú và làm tổ cho một số loài động vật như: Chim Én, Nhạn, Dơi; Sáo, Yểng vào làm tổ; quả chín là thức ăn cho chúng và một số loài thú hoang như: Cầy hương, Chồn, Sóc…
Hạt Cọ già tự rơi gặp đất ẩm sẽ mọc thành rừng Cọ nhiều tầng lớp rất đẹp. Tuổi cây Cọ gần 100 năm, khi chiều cao tối đa hơn 10 m khai thác lá khó khăn thì có thể chặt đi để trồng lại; ngọn non dùng để ăn; khúc thân về phía ngọn cắt dài khoảng 2 m để bọ măng đẻ trứng vào lấy Đuông (con sâu đuông); đoạn gốc và các đoạn sau khi lấy Đuông thì bổ làm củi hay để mục làm phân cho đất. Nếu thường xuyên chăm sóc chặt tỉa thì rừng Cọ rất đẹp. Đây là khu rừng sinh thái lý tưởng, phải tạo dựng hàng mấy chục năm mới có được. Nếu hủy hết tất cả các đồi và rừng có Cọ để trồng rừng sản xuất sẽ là sai lầm. Vậy từng hộ gia đình phải cân nhắc kỹ trước khi phá đồi Cọ.
Hiện nay đã có một số gia đình nhận thức lại và chỉ phá đi những khu rừng non hỗn tạp, ít cây Cọ, ở nơi thấp để trồng thuần loại cây mới như Keo, Mỡ, Quế…; nếu hủy đi tất cả để trồng cây mới thì về lâu dài không hẳn là có hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường. Vì thực tế ở những chỗ có cây Cọ mật độ cao thường là nơi đất cằn cỗi, nếu hủy Cọ trồng thuần loại các loài cây mới thì sau 8-10 năm vẫn chưa đạt tiêu chuẩn khai thác, mà giá trị thu lại từ bán sản phẩm rừng trồng không thể bằng giá trị môi trường sinh thái lâu dài. Do đó họ đã để lại những khu đồi cao, đồi bát úp có nhiều tầng lớp cây Cọ, đứng trên đó thường có gió mát, tầm quan sát xa và xung quanh có cảnh quan đẹp để làm khu rừng sinh thái của gia đình; sau này khi điều kiện kinh tế phát triển sẽ làm khu du lịch sinh thái.
Trong điều kiện đô thị hóa nhanh như hiện nay, mỗi nhà có một không gian xanh, mát lành là đồi cây Cọ để hóng mát, vọng cảnh, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trong những ngày Hè nóng bức là một điều hạnh phúc - đây cũng là điều mơ ước của nhiều người dân ở thành thị không sao có được. Các vùng Trung du, miền núi, các hộ gia đình cần sớm nhận ra vai trò của rừng Cọ trong môi trường sinh thái và cần có hành động cụ thể góp phần giữ gìn nét đẹp riêng có của vùng quê.
PV