![]() |
Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, việc tập trung xuất khẩu vào một vài thị trường lớn khiến hàng hóa Việt Nam dễ rơi vào tình thế bị động khi có biến động chính sách hoặc nhu cầu từ đối tác. Ngành nông sản là một ví dụ điển hình.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, Trung Quốc đã và đang là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam nhờ lợi thế về vị trí địa lý và nhu cầu nhập khẩu cao. Tuyanh kiên họp nhiên, hoạt động thương mại với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch, thiếu ổn định và dễ bị gián đoạn. Không ít lần, phía Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu, gây ra tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu, khiến doanh nghiệp trong nước chịu thiệt hại nặng nề.
Tương tự, ngành gỗ cũng đang đối diện với nguy cơ cao khi hơn 60% kim ngạch xuất khẩu hiện nay phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Tại một số địa phương, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80-90%. Theo ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – điều này khiến ngành gỗ rơi vào thế rủi ro lớn nếu Mỹ điều chỉnh thuế suất hoặc thay đổi chính sách thương mại đột ngột.
![]() |
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam |
Trước những bất ổn trên, giới chuyên gia cho rằng, việc đa dạng hóa thị trường là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để tránh rủi ro, mà còn mở ra dư địa tăng trưởng mới cho xuất khẩu Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, rau quả Việt Nam đang dần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN... đặc biệt sau khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 39% trong năm nay. “Doanh nghiệp cần tích cực hơn trong xúc tiến thương mại, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp từng thị trường và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)”, ông nhấn mạnh.
Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) – đánh giá tình hình thương mại quốc tế sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động triển khai chiến lược giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, đồng thời khai thác cơ hội từ các khu vực như Canada, EU, Nhật Bản, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…
Hiện Bộ Công Thương đang tích cực đàm phán để mở rộng thị trường tại Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, và châu Phi, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường mới.
Từ thực tế doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội – đề xuất Nhà nước cần sớm ban hành chiến lược định hướng thị trường xuất khẩu rõ ràng cho từng ngành hàng, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp – đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ – có thể tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ FTA.
![]() |
TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội |
“Chìa khóa để vượt qua khó khăn hiện nay không nằm ngoài sự chủ động từ chính doanh nghiệp – từ việc nắm bắt thông tin thị trường, thích ứng nhanh với các thay đổi về chính sách thuế quan, đến việc nâng cao nội lực và năng lực cạnh tranh”, TS. Quốc Anh nhấn mạnh.