![]() |
Gần một nửa số công ty đa quốc gia có kế hoạch mở rộng việc sử dụng công nghệ và AI trong quản lý phúc lợi. (Ảnh: Getty Images) |
Theo khảo sát của Towers Watson, gần một nửa (46%) trụ sở chính của các công ty đa quốc gia hiện đang ưu tiên mở rộng việc ứng dụng công nghệ dành cho nhân viên, bao gồm AI, trong lĩnh vực quản lý phúc lợi.
Đáng chú ý, hơn 52% trụ sở chính xem việc khai thác dữ liệu để đưa ra các thông tin chuyên sâu là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao trải nghiệm phúc lợi cho người lao động.
Towers Watson nhận định rằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến cùng dữ liệu nhân sự một cách chiến lược có thể giúp xây dựng các chính sách phúc lợi hiệu quả và cá nhân hóa hơn. Trọng tâm là áp dụng AI trong quản lý dữ liệu, hỗ trợ nhân viên và nâng cao hiệu quả vận hành.
Một công ty con của WTW cũng cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang coi phúc lợi như một phương tiện để thể hiện sứ mệnh, mục tiêu và đề xuất giá trị dành cho nhân viên. Điều này góp phần đảm bảo rằng cách doanh nghiệp chăm sóc người lao động phản ánh đúng tầm nhìn và giá trị cốt lõi của mình. Đa số các trụ sở chính hiện đang chú trọng vào việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phúc lợi trong chiến lược phát triển bền vững.
Khảo sát được thực hiện với 264 tổ chức toàn cầu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10. Ông Nigel Bateman, Giám đốc điều hành phụ trách giải pháp trụ sở chính toàn cầu tại Towers Watson, cho biết: "Các chính sách phúc lợi không chỉ hỗ trợ sức khỏe toàn diện cho nhân viên mà còn là công cụ thể hiện mục tiêu và giá trị của doanh nghiệp. Chúng là biểu tượng mạnh mẽ cho bản sắc và tầm nhìn chiến lược của công ty. Ngược lại, nếu phúc lợi chỉ được xem là một yếu tố phụ, nó có thể làm suy yếu hình ảnh và định hướng của tổ chức."
Theo ông Bateman, các công ty hàng đầu hiện đang tích cực tham gia từ cấp trụ sở chính, bao gồm cả việc thiết lập các tiêu chuẩn phúc lợi tối thiểu toàn cầu. Việc ứng dụng công nghệ và dữ liệu không còn đơn thuần là xu hướng, mà đang trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thực sự lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, việc thu hút và giữ chân nhân tài là một trong những trọng tâm chiến lược quan trọng. Có đến 65% doanh nghiệp cho biết phúc lợi là yếu tố then chốt để nâng cao sức cạnh tranh trong tuyển dụng và giữ chân nhân viên.
Quản lý chi phí cũng là một ưu tiên lớn với 75% trụ sở chính tham gia trực tiếp vào việc hoạch định ngân sách phúc lợi, trong đó 58% chủ động điều phối chi tiêu để tập trung vào những nhu cầu thiết thực nhất của nhân viên.
Có đến 79% doanh nghiệp cho biết họ đang triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy nhận thức và tương tác của nhân viên với các chương trình phúc lợi. Đồng thời, 52% doanh nghiệp ưu tiên điều chỉnh các chính sách phúc lợi sao cho phù hợp với chiến lược về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI), cũng như các mục tiêu môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Khoảng 70% trụ sở chính các công ty đa quốc gia hiện đang áp dụng tiêu chuẩn phúc lợi tối thiểu toàn cầu và tích cực chỉ đạo các quyết định tại địa phương liên quan đến thiết kế phúc lợi. Ngoài ra, 50% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang hướng đến việc triển khai phương pháp quản lý phúc lợi xuyên quốc gia trong các lĩnh vực như bảo hiểm nhân thọ, chăm sóc sức khỏe, hưu trí và tiết kiệm.
Bà Gaby Joyner, Giám đốc Trải nghiệm Nhân viên tại Towers Watson khu vực châu Âu, nhấn mạnh: “Việc hiểu rõ nhu cầu và kỳ vọng của nhân viên là yếu tố then chốt để thu hẹp khoảng cách giữa những gì doanh nghiệp cung cấp và những gì người lao động thực sự mong muốn. Những chương trình lắng nghe nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư đúng chỗ, mang lại giá trị thực tế và gia tăng sự gắn kết.”
Bà cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần chủ động truyền thông về giá trị của các chương trình phúc lợi và đảm bảo nhân viên toàn cầu đều hiểu rõ cũng như cảm thấy được kết nối với những lợi ích họ đang nhận được – từ đó nâng cao trải nghiệm nhân viên như một khách hàng thực thụ.