Không chỉ bất động sản, doanh nghiệp top 10 ngành xây dựng cũng nguy cơ phá sản

16:17 19/04/2023

Thời gian qua có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng rất chặt chẽ.

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 1-2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong quý 1-2023 đa số các doanh nghiệp xây dựng chỉ đạt 8% kế hoạch cả năm. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay vừa qua VACC định tổ chức cuộc họp ở miền Trung, nhưng chi nhánh hiệp hội ở miền Trung cho biết giờ không ai dám đi họp vì hơn 40 doanh nghiệp thuộc hiệp hội ở miền Trung không có việc làm.

Tương tự, ở phía Nam, 21 doanh nghiệp xây dựng đã gửi "kêu cứu" tới Thủ tướng vì tình trạng tài chính khủng hoảng, việc làm khó khăn.

Ở miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có việc làm.

"Chưa năm nào khốc liệt như năm nay, một số doanh nghiệp trong top 10 ngành xây dựng đang ở trạng thái báo động tài chính, không có tiền trả cho thầu phụ, trả nhân công nên khả năng phá sản...", ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, khoảng 90% doanh nghiệp xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ.

“Các doanh nghiệp xây dựng chủ yếu dựa vào vốn tín dụng, vốn tạm ứng từ chủ đầu tư. Các doanh nghiệp hết sức khó khăn, vì nợ ng thì không được tính lãi nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng”, ông Hiệp nêu thực trạng.

Ông Hiệp cảnh báo nếu không có cơ chế bảo vệ nhà thầu xây dựng Việt Nam thì 5 năm nữa không doanh nghiệp xây dựng nào dám nhận thầu xây dựng.

Theo ông, hiện cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu còn thiếu. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động nhưng làm xong dự án mới được thanh toán. Trong khi đó, lãi vay 11-13%/năm dẫn tới trường hợp chủ đầu tư khó khăn, như gần đây không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây. Như vậy, nhà thầu không biết lấy đâu ra tiền và nếu không có cơ chế bảo vệ thì doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong…

"Trong buổi làm việc với nhiều chủ đầu tư lớn, tất cả đang có tâm lý chờ đợi. Các chủ đầu tư chưa biết việc sửa đổi luật trong thời tới có mở cửa cho thị trường bất động sản hay siết lại hơn", ông Hiệp nêu và khẳng định, giải pháp về pháp lý là thứ doanh nghiệp đang kỳ vọng nhất.

PV