Khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030

09:13 06/07/2021

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay, khoảng 3/4 người lao động ở Việt Nam là lao động phi chính thức và hầu hết những người lao động thuộc nhóm này không được hưởng lương hưu hay tiếp cận với các quyền lợi bảo hiểm xã hội.

 

 

  Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. (Ảnh:Internet)

Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2019, Liên Hợp Quốc dự đoán, trong 9 năm tới, khu vực ASEAN sẽ có hơn 109 triệu người ở độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm hơn 15% tổng dân số. Đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 176 triệu, chiếm hơn 22% tổng dân số của khối ASEAN.

Chính việc giảm tỷ lệ sinh sản là một trong những yếu tố góp phần gia tăng xu hướng này. Đồng thời, tỷ lệ dân số cao tuổi của từng quốc gia được dự báo sẽ thay đổi đáng kể trong tương lai.

Trong đó, Brunei và Singapore đã nhận được kết quả tích cực từ những nỗ lực đảm bảo phúc lợi xã hội cho người cao tuổi. Đây là 2 quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Ngược lại, 8 quốc gia trong khu vực là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines lại đang phải đối mặt với vấn đề già trước khi giàu.

Đa phần các nước ASEAN đều có các quỹ hưu trí hoặc các quỹ trợ cấp xã hội nhưng mức chi trả của các khoản này lại vô cùng thấp và không phải ai cũng đủ điều kiện để nhận hỗ trợ của chính phủ.

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm 2020 cho thấy, trong khu vực ASEAN, chỉ có khoảng 1/3 số người từ 60 tuổi trở lên được nhận lương hưu thường xuyên hoặc một lần. Còn ở các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á, mức trợ cấp tiền mặt tối thiểu hàng tháng trong nhiều trường hợp thường thấp hơn mức lương tối thiểu.

Ở Việt Nam, những người trên 60 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội với mức hỗ trợ tối thiểu 270.000 đồng/tháng (11,70 USD), thấp hơn 16 lần so với mức lương tối thiểu hàng tháng của quốc gia là 4,42 triệu đồng.

Trước đó, trong báo cáo được công bố vào năm 2019, ILO cảnh báo sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030, trừ khi Chính phủ có những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tổ chức này kiến nghị Việt Nam nên đưa ra một hệ thống hưu trí đa bậc nhằm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho những người lao động về hưu thông qua các khoản lương hưu được hỗ trợ thuế, bảo hiểm xã hội bắt buộc và lương hưu bổ sung.

ILO cho hay, khoảng 3/4 người lao động ở Việt Nam là lao động phi chính thức và hầu hết những người lao động thuộc nhóm này không được hưởng lương hưu hay tiếp cận với các quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi. Việt Nam cũng nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, sẽ chỉ mất 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%.

PV