Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, việc hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành TTTC quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho TPHCM. Song có thể thấy TPHCM đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng TTTC quốc tế.
Về vấn đề này, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM, cho biết, dù TPHCM chưa được xếp hạng trong chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI) nhưng thành phố đang dẫn đầu danh sách 10 TTTC tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách xếp hạng chỉ số GFCI chính thức, với 148/150 hạng mục đã hoàn thành đánh giá.
Bà Trang phân tích, TPHCM nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của Đông Nam Á và châu Á. Thành phố đang là đầu tàu kinh tế và một trong những động lực chủ yếu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả Việt Nam nói chung, đóng góp khoảng 22% GDP, chiếm hơn 31% số doanh nghiệp và thu hút hơn 37% số dự án FDI cả nước. Thành phố là nơi tập trung lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư, kiều hối... Năng suất lao động của TPHCM đạt khoảng 293 triệu đồng/người/năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước. Về hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị TPHCM thay đổi khá nhanh chóng và tương đối hiện đại. Các chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người của TPHCM được duy trì ở tốp đầu trong nước. Trên thực tế, hiện Việt Nam đang có khoảng 100 tập đoàn lớn trên thế giới hiện diện, đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá, việc phát triển TTTC quốc tế ở TPHCM vấp phải một số hạn chế. Thành phố đang bùng phát cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) nhưng xu hướng phát triển chưa rõ. Thành phố cũng có nhiều ngân hàng nhưng hành lang pháp lý chưa đủ để ngân hàng đột phá phát triển thành tổ chức tài chính độc lập, ngân hàng số. Mặt khác, hệ thống tài chính đang phát triển theo hướng mất cân đối trong cấu trúc. Trong đó, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển cân xứng với thị trường tín dụng, gây sức ép lên hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hạ tầng công nghệ thông tin dù có sự cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với các quốc gia có TTTC phát triển trên thế giới.
Để có thể đẩy nhanh tiến độ thành lập TTTC quốc tế ở TPHCM, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, trường Đại học Kinh tế - Luật, đề xuất, Chính phủ cần trao quyền cho TPHCM chủ trì áp dụng khung pháp lý thí điểm (sandbox) cho cộng đồng doanh nghiệp fintech, TTTC quốc tế tại TPHCM dưới sự hỗ trợ giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các bộ. Sandbox cho các hoạt động liên quan đến tiền mật mã (cryptocurrency); khung pháp lý cho hoạt động của các công ty công nghệ lớn (bigtech)…
Ông Nguyễn Xuân Thành kiến nghị thêm, cần thiết phát triển các tổ chức tài chính theo mô hình tập đoàn tài chính kết hợp xây dựng khung pháp lý áp dụng cho các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Các tập đoàn tài chính được phép phát triển các sản phẩm mới theo cơ chế cấp phép nhanh, được đóng vai trò tạo dựng và dẫn dắt trên các thị trường tiền tệ, chứng khoán và bảo hiểm. Đổi lại, các tập đoàn tài chính phải tuân thủ các chuẩn mực về hoạt động an toàn tương đương với chuẩn mực cao nhất của quốc tế và chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành căn cứ vào các chuẩn mực này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhận định, để hình thành và vận hành hiệu quả các TTTC tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư… Ý tưởng về việc xây dựng TTTC quốc tế của Việt Nam tại TPHCM đã có từ cách đây gần 20 năm và Thủ tướng đã đồng ý cho UBND thành phố nghiên cứu, lập đề án xây dựng. Điều này thể hiện khát vọng của thành phố phải thành lập cho được trung tâm này. Và cùng với những đóng góp của các chuyên gia, TPHCM sẽ giao các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện đề án này và trình Trung ương xem xét vào tháng 5-2022.
ĐT