Khát nước cạnh nhà máy nước

09:55 19/05/2022

Năm 2017, nhà nhà máy sạch Cư Mgar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk được khởi công xây dựng với kinh phí 12 tỷ đồng, với mục đích cấp nước sạch cho 500 hộ dân 3 buôn (làng) của xã. Năm 2019, nhà máy hoàn thành. Sau bao nhiêu năm khô khát, phải dùng nguồn nước không hợp vệ sinh để sinh hoạt, những tưởng ước mơ có nước sạch của 500 hộ dân xã Cư Mgar đã biến thành hiện thực. Nhưng ước mơ đó chỉ kịp lóe lên một chút đã tắt ngóm.

Sau 2 tháng sử dụng, nhà máy đã hỏng và “đắp chiếu” luôn từ đó đến nay. Hiện tại, nếu có ai hỏi về nhà máy này, thì người dân xã Cư Mgar chỉ biết chỉ vào đống sắt vụn nằm lù lù một chỗ và lắc đầu. 

Công trình nước sạch bỏ hoang
Công trình nước sạch bỏ hoang - nhà nhà máy sạch Cư Mgar.

Không chỉ riêng nhà máy nước sạch Cư Mgar, mà trong tổng số 168 công trình nước sạch, trị giá hàng trăm tỷ đồng, được tỉnh Đăk Lăk ồ ạt xây dựng chỉ trong vài năm theo chiến lược quốc gia “nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020”. Nhưng đến nay, đã có 76 công trình hoạt động kém hiệu quả, 51 công trình hư hỏng phải “trùm mền”, trong đó có tới 20 công trình hư hỏng nặng đang chờ thanh lý bán sắt vụn. Còn người dân thì lại đành chỉ biết đi hàng chục cây số để kiếm nước, mua nước mỗi mùa khô hạn hoặc là đào, khoan những cái giếng sâu hàng chục mét để vét từng gầu nước sinh hoạt.

Thật là một sự lãng phí khủng khiếp, lãng phí đến mức nói như một nhà báo là “đến những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nào hình dung ra nổi”. Đăk Lăk, dẫu có rất nhiều tiềm năng, nhưng hiện tại vẫn còn là một tỉnh nghèo, mỗi năm đều phải nhận hàng chục ngàn tỷ đồng từ trung ương. Hàng trăm tỷ đồng xây dựng các nhà máy nước sạch đó là tiền ngân sách. Những nhà máy nước sạch “đắp chiếu, trùm mền” đó đã lấy đi ước mơ của hàng ngàn người dân cao nguyên, vốn đã chịu cảnh ngàn đời khô khát.

Để xây dựng được một nhà máy nước sạch, không thể không phải qua những quy trình, quy phạm hết sức ngặt nghèo như khảo sát, thiết kế, xây dựng, đấu thầu mua sắm thiết bị, lắp đặt, nghiệm thu…rồi cuối cùng mới đến vận hành. Trong đó khảo sát và thiết kế là hai khâu quan trọng nhất. Khảo sát để tính toán nguồn nước đầu vào, nguồn nước đầu ra. Có tính toán kỹ hai nguồn nước đó thì mới chủ động được nguồn nước, nhà máy mới hoạt động được ổn định và lâu dài, rồi mới đến các khâu khác. Không có hoặc không đủ nguồn nước đầu vào thì dù máy móc có tốt đến đâu cũng biến thành sắt vụn.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là công tác khảo sát đã được tiến hành như thế nào, mà rất nhiều nhà máy nước xây xong lại đắp chiếu vì không có nguồn nước để bơm? Việc xây dựng ồ ạt các nhà máy nước bằng tiền thật nhưng hiệu quả lại ảo này chẳng khác gì việc “gánh vàng đi đổ sông Ngô”, hay là nói như dân gian, là “vung tay áo xô đốt nhà táng giấy”. Ai phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí khủng khiếp này?

Bút Thép