Theo cơ quan Chính phủ được giao nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhà sản xuất rượu whisky Vương quốc Anh Macallan, công ty hậu cần của Pháp Geodis và nền tảng marketing khách hàng thân thiết có trụ sở tại Singapore Eber là 3 trong số 322 công ty đã thành lập hoặc thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình tại Hong Kong trong nửa đầu năm 2024, mang lại khoản tiền 38,3 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 4,9 tỷ đô la Mỹ) trong đầu tư.
Theo bà Alpha Lau, Tổng Giám đốc xúc tiến đầu tư tại InvestHK, cho biết hôm thứ Ba rằng, số lượng các công ty mở rộng ở Hong Kong tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
FDI tăng 6 % mỗi năm, trong khi tạo việc làm tăng 44% với 3.500 việc làm mới. Trung Quốc đại lục là nơi dẫn đầu các công ty đầu tư vào Hong Kong, chiếm 150 công ty tương đương 47% tổng số, tiếp theo là Mỹ với 30 công ty mới chiếm 9%.
“Hong Kong là một thành phố quốc tế và là bàn đạp để tiến ra thế giới”, bà Lau nói. “Chúng tôi không giống bất kỳ thành phố Trung Quốc nào khác, và đó là lý do tại sao ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phải đến Hong Kong… để thiết lập một bước đệm cho mục tiêu thành lập trụ sở quốc tế, hoặc để mở rộng ra ngoài Trung Quốc đại lục”.
Số lượng các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hong Kong trong nửa đầu năm 2024 đại diện cho một bước tiến đáng kể, vì các công ty đại lục đã chiếm 35% các công ty mới đầu tư vào thành phố, bà Lau chia sẻ.
Những doanh nghiệp mới đến bao gồm Công ty điện toán AI có trụ sở tại Thượng Hải Biren Technology và Công ty công nghệ AI không người lái được thành lập ở Bắc Kinh Uisee. Với các công ty công nghệ và AI ngày càng tìm cách mở rộng ra ngoài đại lục, bà Lau cho biết, nhiều công ty Trung Quốc khác chắc chắn sẽ được thu hút đến Hong Kong.
“Đồng thời, sự phát triển của các công ty không thuộc Trung Quốc đại lục vẫn được duy trì tốt”, bà nói. “Những công ty này vẫn sử dụng Hong Kong làm bàn đạp để tiến vào châu Á và phần còn lại của Trung Quốc. Hong Kong là một trung tâm độc đáo, và đó là lý do tại sao các công ty Singapore cũng tìm đến đây để mở văn phòng”.
Đáng chú ý, trong số các công ty Mỹ đầu tư trong nửa đầu năm là mạng lưới thanh toán đa phương thức PayCargo, đã chọn Hong Kong làm trụ sở khu vực của mình.
Theo InvestHK, Anh, Singapore và Pháp lần lượt là các địa điểm của nguồn đầu tư mới vào Hong Kong, theo sau đại lục và Mỹ.
Trong nửa cuối năm, InvestHK đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tại Đông Nam Á cũng như Trung Đông và Bắc Phi, nơi họ thấy có một “dòng chảy mạnh” của các cơ hội triển vọng.
Sáng kiến của Bắc Kinh cho phép cư dân thường trú không phải người Trung Quốc tại Hong Kong đăng ký giấy phép du lịch nhiều lần với thời hạn năm năm vào đại lục, được công bố vào thứ Hai, cũng có khả năng thúc đẩy vị thế của thành phố như một trung tâm kinh doanh, bà Lau nói.
“Chỉ trong một ngày, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các phòng thương mại nước ngoài”, bà nói. “Bây giờ sẽ còn dễ dàng hơn nữa để họ đến Hong Kong, và có thể tiếp cận Trung Quốc đại lục để tìm kiếm cơ hội đầu tư”.
InvestHK
Được thành lập vào năm 2000, InvestHK là cơ quan thuộc Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (HKSAR), chịu trách nhiệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tầm nhìn của InvestHK là củng cố vị thế của Hong Kong như một địa điểm kinh doanh quốc tế hàng đầu tại châu Á. Sứ mệnh của đơn vị này là thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế của Hong Kong. Trong tất cả các dịch vụ của mình, cơ quan này áp dụng các giá trị cốt lõi: đam mê, liêm chính, chuyên nghiệp, dịch vụ khách hàng, thân thiện với doanh nghiệp, phản hồi nhanh, hợp tác và đổi mới.
Cơ quan này làm việc với các doanh nhân nước ngoài và Trung Quốc đại lục, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), và các tập đoàn đa quốc gia muốn mở văn phòng hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại của mình tại Hong Kong.
Đây là đơn vị cung cấp lời khuyên và dịch vụ miễn phí để hỗ trợ các công ty từ giai đoạn lập kế hoạch cho đến khi khởi nghiệp và mở rộng kinh doanh.
Lân Nguyễn (t/h)