Ngoài các lãnh đạo cấp cao; Hội nghị còn có sự tham dự của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các đại diện lãnh sự quán từ Trung Quốc, Indonesia và các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Nông. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cả trong và ngoài nước đối với sự phát triển của Bình Phước trong tương lai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định Quy hoạch cho tỉnh Bình Phước. |
Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023, với những điều chỉnh quan trọng trong Quyết định số 1259/QĐ-TTg vào ngày 24-10-2024. Quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh, bao gồm cả việc hình thành các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị và môi trường đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng, việc công bố và triển khai quy hoạch sẽ giúp tỉnh Bình Phước định hình rõ nét hướng đi trong phát triển kinh tế và xã hội. Quy hoạch không chỉ phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương mà còn là động lực để thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu việc công bố và triển khai quy hoạch sẽ giúp tỉnh Bình Phước. |
Một trong những điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Bình Phước là các đột phá phát triển nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là phát triển hệ thống khu công nghiệp, với kế hoạch mở rộng và thành lập các khu công nghiệp mới ở các địa phương như thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú và huyện Hớn Quản. Đặc biệt, tỉnh Bình Phước sẽ phấn đấu đến năm 2030 đạt 18.105 ha diện tích khu công nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024. Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở để tỉnh tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển, xây dựng chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời khai thác tối đa các lợi thế nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu tại buổi lễ |
Các khu công nghiệp sẽ được quy hoạch và phát triển dựa trên việc sử dụng các nguồn lực sẵn có, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật về khu công nghiệp. Các khu công nghiệp này sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, đồng thời phát triển các dịch vụ logistics, hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu.
Bình Phước cũng xác định việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn. Với diện tích lên đến 25.864 ha, khu kinh tế Hoa Lư sẽ đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng trong việc kết nối Bình Phước với các tỉnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là Campuchia.
Bình Phước không chỉ đặt mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2021-2030, mà còn hướng tới một tầm nhìn dài hạn đến năm 2050. Mục tiêu là đưa tỉnh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của vùng Đông Nam Bộ, với các ngành công nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ phát triển bền vững.