Buổi lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vinh dự đón tiếp sự hiện diện của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương: Đồng chí Nguyễn Minh Triết - nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Trưởng Ban Đối ngoại TW, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; các đồng chí Thứ trưởng: Lê Anh Tuấn (Bộ GTVT), Nguyễn Thị Bích Ngọc (Bộ KH&ĐT), Phan Thị Thắng (Bộ Công Thương); đồng chí Nguyễn Sỹ Hiệp - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; đồng chí Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương; đồng chí Tôn Ngọc Hạnh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước...
Đồng chí Nguyễn Minh Triết - Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. |
Trong khuôn khổ Lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Khởi công Dự án Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua Bình Phước) theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (ngoài cùng, bên trái). |
Đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tham gia vào Lễ động thổ dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, với đoạn đi qua tỉnh Bình Phước và khởi công giao đoạn 2 khu công nghiệp Becamex Bình Phước. |
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong khu vực và ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; tỉnh Bình Phước đã hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024.
Trong sự kiện quan trọng này, tỉnh Bình Phước cùng với chủ đầu tư Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước cũng chính thức khởi công giai đoạn 2 KCN BECAMEX BÌNH PHƯỚC – Cụm phát triển công nghiệp sản xuất của tỉnh - nơi có công trình Cao tốc TP.HCM - TDM - Chơn Thành đi xuyên qua. Đây đều là những dự án đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá chiến lược trong định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hình ảnh phát lệnh động thổ Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. |
Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là 1 trong 8 dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải. Được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là tuyến giao thông chiến lược, được quy hoạch kết nối với Tây Nguyên đi xuyên qua các Trung tâm Công nghiệp sản xuất lớn của Bình Phước, Bình Dương hướng về TP. HCM, kết nối đồng bộ với hàng loạt tuyến cao tốc, Cảng biển và Sân bay quốc tế Long Thành..
Dự án cao tốc TP.HCM – Chơn Thành nối TP.HCM với Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại có tổng chiều dài khoảng 70km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Phước là 7km, qua tỉnh Bình Dương là 52km. Với truyền thống anh em tốt đẹp chung dòng sông Bé, cả 2 địa phương đã cùng bắt tay nhau, hỗ trợ đồng hành triển khai dự án thuận lợi nhanh chóng đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân 2 địa phương và sự tín nhiệm của lãnh đạo Trung ương.
Dự án này sẽ kết nối Đắk Nông và Bình Phước, tạo ra một mạng lưới giao thông đồng bộ và mở rộng các cơ hội phát triển cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, đoạn qua Bình Phước dài 101km, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành không chỉ có tác động tích cực đến nền kinh tế của Bình Phước mà còn thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh lân cận, gia tăng khả năng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM và các khu công nghiệp trong khu vực.
Cả hai dự án cao tốc này không chỉ là những công trình giao thông lớn mà còn là những bước đi chiến lược trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cho Bình Phước. Tỉnh đang triển khai các kế hoạch đồng bộ, bao gồm việc hoàn thành thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và triển khai các bước đầu tư cho các dự án hạ tầng, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu kết nối giao thông ngày càng tăng cao.
Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cho đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. |
Trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Bình Phước đang xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên trên đoạn Chơn Thành - Đắk Nông. Đây là các dự án quan trọng, hứa hẹn gia tăng khả năng vận chuyển hàng hóa, hành khách, đồng thời mở rộng tiềm năng giao thương liên tỉnh và khu vực.
Về hàng không, tỉnh đã quy hoạch chuyển đổi sân bay quân sự Technic thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản với diện tích khoảng 350ha, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế quốc phòng.
Ngoài ra, Bình Phước cũng đầu tư xây dựng 03 cảng cạn quan trọng, bao gồm: Cảng cạn tại cửa khẩu Hoa Lư (diện tích khoảng 25ha), Cảng cạn tại Chơn Thành (46ha) và cảng cạn tại Đồng Phú (40ha). Các cảng này sẽ đóng vai trò là trung tâm logistics quan trọng, hỗ trợ kết nối hàng hóa nội địa với khu vực và quốc tế.
Tỉnh định hướng mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp khi được cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật. Mục tiêu đến năm 2030, tổng quy mô đất dành cho khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Đầu tư phát triển 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.830 ha, trong đó hình thành ít nhất 03 cụm công nghiệp chuyên chế biến nông sản tập trung vào các sản phẩm chủ lực như hạt điều, tiêu, cà phê và trái cây. Đây là chiến lược quan trọng nhằm gia tăng giá trị sản xuất và thúc đẩy ngành chế biến nông sản xuất khẩu.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với quy mô diện tích 25.864 ha, nhằm nâng cao năng lực giao thương, trở thành trung tâm kinh tế biên mậu quan trọng kết nối với Campuchia và khu vực Đông Nam Bộ.
Tổ chức các khu nông nghiệp tập trung quy mô lớn tại các huyện trọng điểm như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú, với định hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung tại Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và Bình Long, tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, xoài và măng cụt.
Ngoài các dự án giao thông, Bình Phước còn chú trọng đến phát triển các khu công nghiệp, với giai đoạn 2 của KCN Becamex và sự ra mắt của nhà máy sản xuất lốp ô tô tại KCN Minh Hưng - Sikico.
Những hoạt động này nằm trong mục tiêu đưa Bình Phước trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững trong tương lai gần. Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, với các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% vào năm 2030.