Hòa Bình đẩy mạnh tái cơ cấu hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao

14:10 24/10/2021

Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hòa Bình sẽ phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Theo số liệu Cục Thống kê, diện tích gieo trồng cây hàng năm 6 tháng đầu 2021 của tỉnh đạt 100% kế hoạch. Hiện, tổng diện cây ăn quả có múi toàn tỉnh trên 10,8 nghìn ha (diện tích kinh doanh 6.870 ha). Về cây mía, do nhiều diện tích mía đường trước đây đã chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác, nên diện tích mía niên vụ 2021 - 2022 giảm mạnh, diện tích trồng mới đạt 5.782 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Năm 2021, người chăn nuôi tiếp tục tái đàn lợn theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, tổng đàn tăng khoảng 0,5% so với năm 2020.

Hòa Bình đẩy mạnh tái cơ cấu hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao
Hòa Bình đẩy mạnh tái cơ cấu hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao.

Theo Quyết định số 1014/QĐ-UBND, ngày 19/5/2021 về việc Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 51,5% trở lên. Tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của dân cư nông thôn là 95%. Trong đó phấn đấu 60% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Có trên 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng.

Tỉnh xác định các nhiệm vụ cụ thể trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gồm: Cơ cấu theo các nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực Quốc gia gồm lúa gạo; cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi), cây chè, cây rau, cây sắn, thịt lợn, chăn nuôi gia cầm. Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm cây mía, cây dược liệu, cá nuôi lồng, gỗ, sản phẩm từ gỗ, chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao. Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền gồm cây ăn quả ôn đới (hồng, mận, đào), cây ăn quả nhiệt đới (na, thanh long, chuối...), cây dược liệu trên đất rừng.

Cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực gồm: Trồng trọt; chăn nuôi; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phát triển chế biến; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tại Đề án Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, ban hành tháng 9/2021, tỉnh tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến…

Đồng thời, phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác. Đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP…

Xây dựng Quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và cơ giới hóa vào sản xuất, gắn sản xuất với công nghiệp sơ chế, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch…

PV