Hòa Bình: Bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI, góp phần cải thiện môi trường đầu tư

18:30 20/07/2022

Thực hiện Chương trình công tác tháng 7 năm 2022, chiều ngày 20/7, UBND tỉnh Hòa Bình cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị phân tích chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2022 tỉnh Hòa Bình.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình- Ngô Văn Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình- Bùi Đức Hinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình- Bùi Văn Khánh, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các sở, ban, ngành Trung ương và địa phương. Hội nghị còn có sự tham dự của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Thành tựu đạt được và những khó khăn, vướng mắc

Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình- Bùi Văn Khánh cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình đạt khá cao ở mức 51%, kết quả giải ngân cũng đạt gần 50%. Các mặt công tác văn hóa – xã hội phát triển, y tế - phòng chống dịch bệnh được duy trì, công tác an ninh trật tự - an ninh quốc phòng được giữ vững, không có điểm nóng. Với bức tranh 6 tháng đầu năm như vậy, có thể nói Hòa Bình có nhiều điểm tích cực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022. Bên cạnh đó, chỉ số hài lòng, đánh giá của người dân, của doanh nghiệp và của công chức khá cao. Tuy nhiên, chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Hòa Bình lại ở mức khiêm tốn. Thông qua hội nghị, tỉnh Hòa Bình mong muốn lắng nghe các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư vào địa phương. Hòa Bình cũng mong muốn cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp tin tưởng làm ăn, từ đó góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh".

ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ tại hội nghị.

Nhận định về những nổ lực của tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ: "Tỉnh Hòa Bình cần nổ lực chuyển các cải cách sang đối tượng trọng tâm, tin rằng PCI sẽ cải thiện trong thời gian tới. Chỉ số tiên phong, năng động của lãnh đạo tỉnh được đánh giá rất cao, nhưng hiệu quả thực thi những quyết định đó chưa cao ở các cấp sở, ban, ngành. Tỉnh đã có cơ chế giao việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh về môi trường kinh doanh về từng sở, ban, ngành, đã có cơ chế để UBND, HĐND tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện các chương trình giám sát. Hòa Bình cũng đã thí điểm thành công việc xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của cấp quận, huyện, sở, ban, ngành giao cho chính Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là tổ chức đứng ra để xếp hạng".

Được biết, năm 2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nâng lực cạnh tranh tỉnh; Thành lập các Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án…Tuy vậy, tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và tồn tại như: Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thực sự hiệu quả, chưa thiết thực; tính minh bạch trong môi trường kinh doanh còn chưa thật sự cao. Công tác quản lý, theo dõi các dự án sau khi được chấp thuận đầu tư còn chưa thường xuyên, dẫn tới nhiều dự án chậm đầu tư…

Nhìn nhận thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp

Để góp phần tìm ra giải pháp giúp Hòa Bình cải thiện chỉ số PCI, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang đóng góp ý kiến.

Thứ nhất, ông Thập cho rằng, Ban chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh tỉnh Hòa Bình phải xây dựng chương trình hành động. Trong đó, đặt ra mục tiêu quy định 1 năm cắt giảm thủ tục hành chính tối thiểu 30%. Các thành viên Ban chỉ đạo phải có sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đặc biệt, mỗi tháng tối thiểu phải đưa ra 1 phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ hai, khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành phải có phiếu hướng dẫn 1 lần duy nhất. Từ đó để doanh nghiệp biết cần phải bổ sung cái gì, tránh tình trạng kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

ông Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình
Ông Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Từ những thực tế của tỉnh Hòa Bình, ông Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tổng kết và đưa ra một số giải pháp như sau:

Cần nhấn mạnh ý thức trách nhiệm của người đứng đầu từ Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành và các địa phương. Phải thực sự quan tâm hơn nữa đến các nội dung đã nêu trong Nghị quyết để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. PCI chỉ là một trong những chỉ số, không phải là tất cả, nhưng rất quan trọng! Công tác cải cách hành chính chưa đi vào thực chất, chuyển đổi số chưa làm. Điều này cần phải cải thiện. Điểm đặc biệt quan trọng, đó là thái độ, trách nhiệm của công chức. Văn minh công sở, đạo đức công vụ chưa có sự chuyển biến. Chúng ta toàn đẩy việc khó về cho doanh nghiệp. Chúng ta nói đồng hành với doanh nghiệp nhưng khi nắng ấm thì đi cùng nhau, lúc có mưa dông thì chia tay. Tiếp đến là chất lượng thông tin. Ví dụ như cần minh bạch thông tin về đất, quy hoạch như thế nào, đã có ai sử dụng chưa. Các thông tin cung cấp đến doanh nghiệp, người dân còn rất hạn chế. Chúng ta cần thay đổi điều này. Việc thanh tra, kiểm tra, còn chồng chéo nhiều. Thanh tra nhiều, kiểm tra nhiều nhưng mức độ răn đe chưa đầy đủ.  Công tác quản lý đất đai còn kém, dẫn đến rất vất vả khi kiểm đếm đền bù để thực hiện dự án. Công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội còn xuất hiện những vụ việc xấu. Đặc biệt, phức tạp thêm về vấn đề an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo. Chúng ta cần phải quan tâm đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hiệp hội Doanh nghiệp cần phải hỗ trợ, giáo dục cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao ý thức pháp luật, trình độ chuyên môn. Cần có sự vào cuộc thiết thực của các cơ quan quản lý. 

"Tựu trung lại, chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa bắt đầu từ ý thức của từng cán bộ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, Có như vậy chúng ta mới có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra", ông Tuấn chia sẻ

Hiện nay có 3 bộ chỉ số rất quan trọng, thứ nhất là chỉ số PAPI - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh; thứ hai là chỉ số DTI - Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh; thứ ba là chỉ số PCI - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Thế nhưng, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: "Chúng ta không nên chỉ chú tâm vào 3 chỉ số này, mà cần chú tâm vào các chỉ số khác, trong đó có thể nói đến chỉ số xanh. Ngoài cam kết COP26 cũng còn nhiều cái mới là Chiến lược tăng trưởng xanh hay vừa rồi Thủ tướng đã thông qua Đề án kinh tế tuần hoàn, hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên kế hoạch chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Đặc biệt, Hòa Bình là một tỉnh đi sau nhưng lại là tỉnh có bước tiến rất nhanh. Chính vì vậy, bộ chỉ số PCI có thể chưa hoàn toàn phản ánh được và Hòa Bình có thể đẩy mạnh chỉ số này vì về cơ bản tỉnh Hòa Bình đã xanh và sạch rồi nên việc triển khai sẽ thuận lợi hơn. Hay chỉ số liên quan đến việc trong 1 năm thu hút được bao nhiêu “ông lớn” – có thể là những doanh nhiệp đầu tư nước ngoài hay đầu tư trong nước, điều này tạo nên kết nối tốt trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Hòa Bình nên cân nhắc và suy nghĩ mở rộng đáp ứng các chỉ số khác nữa chứ không phải chỉ gói trọn trong bộ chỉ số DTI, PAPI hay PCI".

Vào tháng 4 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021. Kết quả PCI 2021 cho thấy, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 73,02 điểm. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp tỉnh này dẫn đầu cả nước về điểm số PCI. Chia sẻ về những kinh nghiệm có được, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Trong thời gian qua, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật thông tin để báo cáo với lãnh đạo tỉnh. Cứ mỗi thứ Bẩy hoặc Chủ nhật hằng tuần, Chủ tịch UBND tỉnh  yêu cầu đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, đồng chí Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng với đồng chí Chánh Văn phòng cùng ngồi với các doạnh nghiệp để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau đó chúng tôi lại đi đến từng địa phương để phân tích các chỉ số xem tại sao lại cao, tại sao lại thấp. Còn về phía tỉnh Hòa Bình, tôi thấy lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và thường xuyên tổ chức các hội nghị cho doanh nghiệp. Mong các lãnh đạo và các sở, ban, ngành địa phương cố gắng tập trung tháo gỡ dứt điểm các vấn đề cho doanh nghiệp, nhất là những vấn đề còn đang tồn đọng, vướng mắc". 

Với cương vị Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, ông Nguyễn Kim Hùng cũng đề ra 3 hướng giải pháp. Thứ nhất, việc đánh giá về các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh trong các chỉ số PCI cần được cải thiện. Các website của Sở Kế hoạch Đầu tư, các trung tâm xúc tiến, hiệp hội,… nói chung là nơi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nước ngoài cần có tiếng Anh, và kênh riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cần phát triển ưu thế của các hiệp định với doanh nghiệp nước ngoài, định nghĩa rõ ràng vấn đề thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu, hải quan,… Thứ hai, cần xem xét các chỉ số cụ thể trong mỗi chỉ tiêu thành phần, chọn ra các chỉ tiêu có trọng số cao để cải thiện ngay trong 6 tháng cuối năm. Chỉ số nào ở mức khá tốt thì cần giữ, chỉ số nào ở mức trung bình cần cải thiện ngay. Thứ ba, tỉnh Hòa Bình đang đánh giá các chỉ số bằng giấy, nên chuyển dần sang đánh giá online và mở rộng số lượng doanh nghiệp tham gia đánh giá.

Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cũng cho rằng, trong hạn chế, thách thức mà tỉnh gặp phải trong thời gian qua chính là cơ hội để tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhìn nhận, đánh giá sát, đúng thực tế, từ đó có những giải pháp mạnh mẽ, tạo ra sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới. 

Nhóm PV