Thái Nguyên thúc đẩy hiện diện số với 100% doanh nghiệp dùng tên miền “.vn” Thái Nguyên: Sản xuất công nghiệp tháng 4 nhiều ngành tăng hai con số |
Ngày 6/5/2025, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Sự kiện năm nay mang ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 20 năm hình thành và phát triển của bộ chỉ số PCI – một công cụ quan trọng phản ánh chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trên cả nước.
Theo bảng xếp hạng PCI 2024, tỉnh Thái Nguyên đạt 68,13 điểm, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm 30 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Đây là kết quả ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.
![]() |
Thái Nguyên vào Top 30 tỉnh điều hành kinh tế tốt năm 2024 (Ảnh: Minh họa) |
Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Thái Nguyên có 4 chỉ số cải thiện rõ rệt so với năm 2023. Cụ thể, chỉ số Chi phí gia nhập thị trường tăng từ 7,45 lên 7,56 điểm, phản ánh việc cắt giảm thủ tục hành chính và thời gian đăng ký kinh doanh. Chỉ số Môi trường minh bạch và thông tin công khai tăng mạnh từ 5,56 lên 6,29 điểm, cho thấy tỉnh đang chú trọng công khai quy hoạch, pháp lý, và thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.
Một cải thiện nổi bật khác là chỉ số Môi trường cạnh tranh bình đẳng, đạt 5,53 điểm, tăng so với mức 5,42 năm trước, chứng tỏ sự nỗ lực trong đảm bảo không gian kinh doanh công bằng giữa các thành phần kinh tế. Đặc biệt, chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng vọt từ 4,88 lên 7,58 điểm – mức tăng ấn tượng nhất – cho thấy các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đã thực sự đi vào thực tiễn và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong bảng xếp hạng toàn quốc, TP. Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm, tiếp theo là các tỉnh Quảng Ninh, Long An, Bắc Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Những địa phương này đều có điểm mạnh ở hầu hết các chỉ số thành phần, trong đó nổi bật là cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức thấp.
Trong khuôn khổ lễ công bố, VCCI cũng tổ chức trao kỷ niệm chương và giấy chứng nhận cho Top 10 địa phương có điểm PCI cao nhất, như một sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng trong cải thiện chất lượng điều hành và thu hút đầu tư.
Chỉ số PCI được xây dựng dựa trên khảo sát gần 12.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bộ chỉ số này gồm 10 lĩnh vực đánh giá then chốt, như: tiếp cận đất đai, minh bạch, chi phí không chính thức, dịch vụ hành chính công, đào tạo lao động, và tính năng động của chính quyền địa phương.
Với kết quả tích cực năm nay, Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Việc cải thiện PCI không chỉ phản ánh năng lực điều hành tốt mà còn tạo niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư tại tỉnh.