Sự phát triển, dịch chuyển cơ cấu kinh tế đã kéo thị trường lao động Việt Nam đã phát triển rất nhanh. Thế nhưng, cùng với việc ngày càng mở rộng và đa dạng, thị trường lao động cũng ngày càng bộc lộ nhiều yếu tố cản trở sự phát triển, đòi hỏi cần phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Thị trường lao động Việt Nam được hình thành, phát triển chính thức từ năm 1986 đến nay, từng bước đã tạo được khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động. Quy mô và chất lượng cung lao động tăng lên, chất lượng việc làm ngày dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước duy trì dưới 3%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: chất lượng việc làm, chất lượng lao động ở nước ta còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Còn thiếu nhiều lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới; có sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế, mặc dù số lượng lao động không có việc làm lớn nhưng một số ngành nghề, địa phương không tuyển được lao động;…
Thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều động lực tăng trưởng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm cải tiến năng suất và năng lực sản xuất. Sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ và xu hướng tăng cường ký kết các hiệp định thương mại đa phương và song phương của các nền kinh tế đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thông qua việc tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy lưu thông vốn và hàng hóa; tăng cường vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ. Xu thế này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cầu lao động khi cơ cấu việc làm và yêu cầu về kỹ năng trình độ sẽ thay đổi nhanh chóng.
Từ cơ sở khoa học, yêu cầu thực tế trong nước và kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng và thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển thị trường lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
Việc ban hành Chương trình là nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động; góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện Chương trình, các mục tiêu cụ thể được chú trọng là tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 vào thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030; phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%;...
Để đạt mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm; hỗ trợ kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.
Trong đó, về nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động, sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức và quản lý nhà nước về việc làm và thị trường lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị việc làm và thị trường lao động theo hướng thống nhất, rõ ràng về chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp.
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật lao động, quan hệ lao động và trách nhiệm, lợi ích của các đối tác xã hội trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho người lao động; xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập theo hướng so sánh trong khu vực và trên thế giới; đánh giá về chênh lệch trong mức độ phát triển thị trường lao động, khả năng tạo việc làm, thu nhập giữa các tỉnh, các vùng của Việt Nam.
P. Ngân