Với nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của nhân dân ngày càng cao, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, thông thoáng trong thực hiện quy định, chính sách pháp luật về y tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách đổi mới vẫn còn một số quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế không còn phù hợp, một số thông tư dù được ban hành đã lâu, có văn bản pháp luật ra đời gần 10 năm, nhưng đến nay vẫn được áp dụng, chưa được được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, thậm chí nặng nề tư tưởng áp đặt, định kiến công – tư, kéo chậm sự đổi mới, tạo rào cản và đầy lùi sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân, chưa tạo được động lực, sức hút đối với nhà đầu tư về lĩnh vực này.
Liên quan đến thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật đối với bệnh viện tư nhân, Chính phủ nên giao thẩm quyền phê duyệt Danh mục kỹ thuật của các bệnh viện tư nhân cho các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, đơn giản hoá thủ tục thành phần hồ sơ thẩm định, tạo cơ hội thuận lợi cho lực lượng y bác sỹ và các bệnh viện tư nhân phấn đấu, mở rộng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Trường hợp Sở Y tế chưa đủ khả năng thẩm định về chuyên môn các danh mục kỹ thuật cao, kỹ thuật mới được áp dụng lần đầu tại Việt Nam thì Sở Y tế có thể mời các chuyên gia trung ương cùng tham gia thẩm định, phê duyệt.
Thực tế cho thấy, Thông tư quy định về thẩm quyền phê duyệt Danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB ra đời cách đây đã gần 10 năm, đến nay không còn phù hợp, gây rất nhiều bất cập, tạo sự phân biệt và vướng mắc cho bệnh viện tư nhân trong quá trình hoạt động.
Một số bệnh viện tư nhân đặt câu hỏi: Vì sao cùng một dịch vụ kỹ thuật nhưng phải phân biệt Sở Y tế phê duyệt cho bệnh viện công lập, trong khi bệnh viện tư nhân phải trình lên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho dù danh mục kỹ thuật đó đã được áp dụng ở nhiều cơ sở KCB trên cùng địa bàn, cùng phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Hơn nữa, thủ tục trình thẩm định, phê duyệt Danh mục kỹ thuật đối với bệnh viện tư nhân cũng nặng tính hành chính, gây phiền hà, thậm chí tạo kẽ hở để ra đời “cơ chế xin – cho”. Cụ thể là, khi Bộ Y tế nhận được hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật của bệnh viện tư nhân, Bộ Y tế xem xét và có thể giao quyền cho Sở Y tế địa phương tổ chức đoàn thẩm định. Khi Sở Y tế tổ chức thẩm định xong sẽ gửi Tờ trình báo cáo kết quả với Bộ Y tế. Sau đó, Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, xem xét. Nếu hồ sơ trình thẩm định “đảm bảo đầy đủ”, Bộ Y tế sẽ ban hành quyết định phê duyệt. Ngược lại nếu hồ sơ chưa đảm bảo yêu cầu, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu kiểm tra, xem xét và tổ chức thẩm định lại. Quy trình này kéo dài trong nhiều tháng, gây rất nhiều khó khăn, bức xúc, áp lực cho bệnh viện tư nhân. Bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực... đã được bệnh viện tư nhân vay vốn ngân hàng để đầu tư, vô tình phải chịu cảnh thấp thỏm chờ đợi.
Về trình tự thủ tục và thẩm quyền cho phép bệnh viện tư nhân áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong hoạt động KCB. Hiệp hội Bệnh viện tư nhân kiến nghị: Bỏ quy định về nguyên tắc hai bước “Áp dụng thí điểm và áp dụng chính thức” đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới, chỉ nên thực hiện một quy trình thẩm định duy nhất là áp dụng chính thức hoặc chỉ thí điểm đối với những phương pháp mới, kỹ thuật mới lần đầu áp dụng thực hiện tại Việt Nam. Đồng thời giao thẩm quyền cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện phê duyệt. Bởi theo thông tư ra đời năm 2015, về hồ sơ đề nghị áp dụng thí điểm và áp dụng chính thức kỹ thuật mới, phương pháp mới, Cục Quản lý KCB Bộ Y tế là cơ quan được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết của các bệnh viện tư nhân còn Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ của các cơ sở KCB công lập trên địa bàn quản lý.
Quy định này tạo nên sự bất bình đẳng giữa các bệnh viện công và bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Bởi nếu Sở Y tế có thể tiếp nhận, giải quyết hồ sơ áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới của các bệnh viện công lập hạng 1 tuyến tỉnh trên địa bàn quản lý thì hoàn toàn có đủ năng lực để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới cho các bệnh viện tư nhân hạng 3 tuyến huyện hoặc hạng 2, hạng 1 tuyến tỉnh trên địa bàn. Nếu tiếp tục giữ quan điểm Bộ Y tế tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đối với bệnh viện tư nhân là không đổi mới và lạc hậu, bảo thủ, gây khó dễ cho bệnh viện tư nhân.
Cũng theo Thông tư năm 2015, BYT quy định, kỹ thuật mới, phương pháp mới là những kỹ thuật, phương pháp đã được Bộ Y tế phân loại phẫu thuật, thủ thuật là loại đặc biệt, loại I, lần đầu tiên áp dụng tại cơ sở KCB. Việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong KCB được thực hiện theo hai bước: Áp dụng thí điểm và áp dụng chính thức.
Như vậy, để được áp dụng chính thức những phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, bệnh viện tư nhân trải qua ít nhất 2 lần thẩm định, cấp phép của Bộ Y tế.
Cũng theo phản ánh của một số bệnh viện tư nhân, trong những năm qua, nhiều người nghèo (bao gồm người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí) có thẻ BHYT hộ nghèo, điều trị bệnh nội trú tại bệnh viện tư nhân lại không được hưởng chính sách hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí KCB BHYT theo quy định.
Các đối tượng này nếu muốn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước buộc phải đi khám, điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên. Đây là vấn đề bất cập và vướng mắc về khám, chữa bệnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang được áp dụng.
Bên cạnh đó, việc công nhận kết quả khám, điều trị của bệnh viện tư nhân đối với người bệnh có bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học vẫn còn nhiều bất cập. Bởi rất nhiều đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng trong quá trình KCB tại các bệnh viện tư nhân đã phát hiện có bệnh, tật, di dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học. Sau đó làm hồ sơ giám định y khoa lần đầu (có kèm bệnh án điều trị tại bệnh viện tư nhân) nộp cho Hội đồng giám định y khoa tỉnh để giám định bị phơi nhiễm với chất độc hóa học để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh không chấp nhận và không xem kết quả khám, điều trị ghi trong bệnh án của bệnh viện tư nhân là căn cứ để xác định người bệnh có bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, mà yêu cầu các đối tượng phải có bản tóm tắt Bệnh án điều trị nội trú hoặc Bản tóm tắt quá trình điều trị ngoại trú của bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên theo mẫu quy định.
Quy định trên đây vô tình khiến cho các đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến, có công với cách mạng gặp khó khăn, vất vả, khiến các đối tượng phải chờ đợi.
Trong khi đó, hiện nay, dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế, nhiều bệnh viện tư nhân đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu của Bộ Y tế về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương với các tuyến huyện, tuyến tỉnh. Mặc dù vậy, kết quả khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học cho các đối tượng đều không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Về thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động bệnh viện tư nhân.Theo quy định hiện hành, tất cả các bệnh viện tư nhân có quy mô dù lớn hay nhỏ, mức đầu tư như thế nào khi muốn cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đều phải làm thủ tục hồ sơ trình xin phép Bộ trưởng Y tế. Quy định này khiến doanh nghiệp rất lo ngại về trình tự thủ tục hành chính và thẩm quyền giải quyết các thủ tục hồ sơ thẩm định, phê duyệt mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí mất cả “chi phí không chính thức”.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết: Từ khi thành lập, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam với vai trò là cầu nối tiếp nhận, tổng hợp đóng góp phản biện, tư vấn các chính sách về lĩnh vực Y tế và đã nhận được nhiều sự tin tưởng ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương. Tiếp tục thực hiện vai trò cầu nối từ các hội viên đến chính quyền, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và giải trình về các quy định, chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế đã ra đời lâu năm, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển đối với hệ thống y tế tư nhân. Từ đó, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo loại bỏ tư tưởng bảo thủ, phân biệt, đối xử công - tư, đảm bảo quyền lợi, công bằng đối với người hành nghề y đang làm việc tại cơ sở y tế tư nhân.
Minh Hiền