Hiệp định CPTPP: Làm tốt thương hiệu tạo đột phá về xuất khẩu

17:20 27/09/2023

Mặc dù tạo đột phá từ việc tham gia CPTPP song một số chuyên gia cho rằng, tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau một thời gian thực thi đã có tác động mạnh mẽ tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các đối tác thành viên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

Ảnh minh họa
Các chuyên gia tại Tọa đàm: “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” do Tạp chí Công Thương tổ chức trực tuyến ngày 27/9, tại Hà Nội.

“Đòn bẩy” thúc đẩy xuất nhập khẩu

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Sau hơn 3 năm thực thi, Hiệp định đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới và tiềm năng.

Thống kê cho thấy, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Sang năm 2022, đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021.

Việt Nam với lợi thế là quốc gia có mặt trong CPTPP từ ban đầu, được ưu đãi hơn nhiều quốc gia ngoại khối đã có những lợi thế nhất định cần tận dụng để khai thác triệt để hơn, đặc biệt với khu vực các thị trường lần đầu có FTA, như Canada, Mexico…

Những thị trường mới ở trong khu vực CPTPP là có nhiều tiềm năng và dư địa cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ví dụ Canada, mỗi năm nhập khẩu 500 tỷ USD hàng hóa, thuộc nhóm 15 nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất thế giới. Hay Mexico hàng năm cũng nhập tới 400 tỷ USD. Với ưu đãi thuế quan giảm dần theo lộ trình trong CPTPP, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ngoại khối tại 2 thị trường này.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu nhìn vào hai thị trường Canada, Mexico kể từ khi thực thi CPTPP đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ, thậm chí trong thời kỳ COVID-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này luôn ở hai chữ số.

Ngoài ra, thặng dư thương mại mà Việt Nam có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Còn với thị trường như Peru, dù dung lượng còn nhỏ nhưng thực tế dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao, có những năm tăng trưởng có thể lên đến ba chữ số.

“Rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tích cực các cơ hội mà hiệp định CPTPP mang lại từ ba thị trường này,” ông Ngô Chung Khanh nói.

Làm rõ thêm, theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện nay, Canada là một trong mười đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Tính cả trung chuyển qua Hoa Kỳ, trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021.

Đáng chú ý, sau 5 năm thực thi hiệp định CPTPP xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ năm 2018 lên đến 9,9 tỷ năm 2022 và là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP.

“Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao như vậy hiện nay Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada và Canada cũng là nước Việt Nam có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD,” bà Trần Thu Quỳnh thông tin thêm.

Ảnh minh họa
Hoạt động thông quan hàng hóa để chuẩn bị xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

Thực tế cho thấy, sau khi thực thi CPTPP, xuất khẩu của những mặt hàng hưởng thuế bằng 0% như: điện thoại, điện tử, điện máy hay kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ quả, kể cả các sản phẩm khác như gạo điều, chè, càphê… đều có sự tăng trưởng đột biến, có những mặt hàng tăng đến 1000%.

Điều này cho thấy hiệp định CPTPP như một “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, hiệp định CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam, tạo hiệu ứng lan tỏa, tức là thúc đẩy sự phát triển hơn chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.

Thương hiệu - con đường phát triển bền vững

Mặc dù tạo đột phá từ việc tham gia CPTPP, song theo các ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng, tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Đơn cử tại thị trường như Canada, Mexico và Peru, theo ông Ngô Chung Khanh, có những mặt hàng của Việt Nam chỉ chiếm thị phần khoảng 3%-5%. Hơn nữa, hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn chưa thật sự nổi bật. Ví dụ, người tiêu dùng đã biết đến càphê Việt Nam, gạo Việt Nam... song khách hàng chỉ biết đến một thương hiệu cụ thể của Việt Nam, trong khi nhiều thương hiệu chưa xuất hiện nhiều trên các kệ siêu thị hay trong tâm trí của người tiêu dùng của các nước CPTPP, đặc biệt là các thị trường mới.

Một trong nhiều nguyên nhân, theo ông Ngô Chung Khanh, là do nhiều doanh nghiệp chấp nhận theo kiểu “an phận thủ thường,” khi thấy đủ thì không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị có thể mang về. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không đủ lực từ tài chính, nhân lực, kiến thức, kinh nghiệm và tư duy chiến lược để có thể làm thương hiệu cho riêng mình, cộng thêm những khó khăn để kết nối với sâu vào chuỗi cung ứng của đối tác nếu không có sự hỗ trợ, giúp sức của các cơ quan chức năng.

Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam Vinasamex chia sẻ, từ năm 2007 khi tham gia một vài hội chợ quốc tế gần như khách hàng không hề biết rằng Việt Nam có quế, hồi hay những loại gia vị khác của Việt Nam cũng không có một lợi thế cạnh tranh nào so với những thị trường khác.

“Vì khách hàng không biết đến Việt Nam, do vậy doanh nghiệp xác định đấy là một sứ mệnh để làm sản phẩm thực sự tốt bán ra được thật nhiều qua đó khẳng định một đại diện thương hiệu của Việt Nam mang nông sản và gia vị hữu cơ ra ngoài thế giới,” bà Huyền chia sẻ.

Thực tế hiện nay, đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô và bán lại cho người chế biến ở nước ngoài, sau đó nguyên liệu được đối tác đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy, giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Ảnh minh họa
Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng, ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu thật bài bản, các kế hoạch truyền thông định kỳ cũng phải quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách Xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) dẫn chứng thêm, trong ngành công nghiệp, khoảng 95% giá trị xuất khẩu thuộc trong tay của các tập đoàn quốc tế FDI có thương hiệu toàn cầu riêng…, còn trong ngành ôtô, gần đây Việt Nam mới nổi lên thương hiệu Vinfast có thể đưa thương hiệu ôtô Việt Nam ra sân chơi toàn cầu.

Vì vậy, để xây dựng thương hiệu và xuất khẩu thương hiệu, bên cạnh tiềm lực và chiến lược về công tác quản trị, bà Mai đề nghị doanh nghiệp nên chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích, nhất là việc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các bộ, ngành, hiệp hội triển khai và tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng… khi thâm nhập các thị trường mới.

“Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu thật bài bản, các kế hoạch truyền thông định kỳ cũng phải quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thương hiệu sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài,” bà Mai khuyến nghị.

Về góc độ cơ quan chức năng, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành. Qua đó không chỉ quảng bá và phát triển, bảo vệ các thương hiệu của mình ra thị trường thế giới./.

Đức Duy (Vietnam+)