Phân tích số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, hãng thông tấn RIA Novosti hôm 29/5 ước tính nhà đầu tư ngoại đã rút 36 tỷ USD khỏi nước này, sau khi bán tài sản kinh doanh tại đây trong giai đoạn tháng 3/2022 – 3/2023.
Con số này tương đương vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nga năm 2021 - thời điểm trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2022 của Hội nghị Liên hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), FDI rót vào Nga năm 2021 là 38,2 tỷ USD.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 5-2023, Ngân hàng Trung ương Nga công bố khoảng 200 thương vụ bán lại công việc kinh doanh từ các nhà đầu tư nước ngoài đã được thực hiện trong giai đoạn trên. Chỉ 20% trong số đó có giá trị trên 100 triệu USD, được đánh giá là các thương vụ mua bán tài sản lớn.
Người đứng đầu bộ phận phân tích của Ngân hàng BKF Maxim Osadchy cho biết, ở cấp độ quốc gia, tác động của những thương vụ buôn bán tài sản của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường nội địa là khá hạn chế.
Hầu hết các thương vụ lớn đều có điều khoản duy trì bằng sáng chế và những giấy phép sản xuất cần thiết để chừa đường trở lại sau khi chiến sự kết thúc.
Nhiều công ty lớn trên thế giới đã rời đi hoặc giảm quy mô hoạt động tại Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đầu năm ngoái. McDonald’s, Starbucks hay Ford Motor, Coca-Cola, Zara, IKEA,... đều đã rút khỏi Nga. Những cái tên sắp tới là hãng xe Volkswagen, Ngân hàng UniCredit và Raiffeisen Bank International.
Theo quy định hiện tại, các công ty muốn rời Nga sẽ phải xin phép chính phủ và phải bán tài sản với giá giảm 50%. Năm ngoái, giá trị số tài sản mà các công ty ngoại bán ra vào khoảng 15-20 tỷ USD.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan thống kê do Sputnik phân tích và công bố ngày 7/5, với giá trị hàng hoá và dịch vụ đạt 2.300 tỷ USD trong năm 2022, Nga lần đầu tiên xếp thứ 8 trong danh sách các nước lớn nhất thế giới.
Moscow đã đạt được thành tích này dù là "quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới". Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai tổng cộng 10 vòng trừng phạt với khoảng hơn 13.000 hạn chế.
Nhiều quan chức và phương tiện truyền thông phương Tây dự đoán rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt và chi tiêu quân sự.
Tuy nhiên, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% vào năm 2022, và thậm chí được Quỹ tiền tệ (IMF) dự báo sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, ngang bằng với Pháp. Điều này càng củng cố khẳng định trước nay của Điện Kremlin rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp lên Nga không có tác dụng như họ kỳ vọng.
Phương Nga (t/h)