Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, câu chuyện được mùa rớt giá của nông sản, thậm chí câu chuyện giải cứu nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhìn chung, vấn đề lớn của hàng hóa nông, thuỷ sản của Việt Nam hiện nay là làm thế nào hàng Việt Nam có thể sống được với hàng nước ngoài ngay trên đất của mình và cạnh tranh được với các nước xung quanh, nhất là Thái Lan.
GS Võ Tòng Xuân đề nghị cần phải xem xét, tìm ra sản phẩm OCOP nào thực sự mang tính đại diện mỗi địa phương, từ đó đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới tiêu thụ cả ở thị trường quốc tế.
Ở cấp độ quốc gia, cần phải làm thương hiệu chung cho các loại nông sản, ví dụ như xây dựng thương hiệu vải thiều Việt Nam thay vì để cho các tỉnh trồng vải thiều “mệnh ai nấy chạy”. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm thêm những loại nông sản chất lượng để xây dựng thành sản phẩm quốc gia, bởi có nhiều nông sản rất có tiềm năng nhưng chưa được chú trọng, tiêu biểu như khoai tây Thường Tín.
Về phía doanh nghiệp, ông Xuân nhấn mạnh cần phải quan tâm hơn đến bài toán xây dựng thương hiệu. Khi đã có thương hiệu, tất cả chuỗi sản xuất phải cùng nhau chăm sóc, giữ vững thương hiệu, làm sao để sản phẩm cho ra có chất lượng tương đồng với nhau.
Bên cạnh đó, để đồng nhất giá trị nông sản, không chỉ ngon mà còn phải sạch và thân thiện với môi trường, cần phải giải quyết bài toán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của bà con nông dân, cùng với việc kiện toàn khâu bảo quản, lưu trữ, vận chuyển và chế biến sau thu hoạch.
Giải pháp cuối cùng được GS. Võ Tòng Xuân đưa ra là hoạt động marketing. Cần phải liên kết chặt chẽ, marketing với thông điệp rõ ràng, sao cho khách hàng dễ dàng nắm được ở Việt Nam có nông sản gì ngon, nông sản ở vùng nào, có thể xuất khẩu đi được những đâu.
"Phải cải thiện hoạt động marketing để khách hàng khi cần có thể dễ dàng biết được ở nước ta, chỗ nào có gì, cần gì và xuất đi đâu?", GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Thanh Xuân