Trong khuôn khổ Diễn đàn Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước được tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội, nhiều đại biểu, chuyên gia nhận định, cần phải gỡ những “nút thắt” gây cản trở sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Chính sách pháp luật còn chồng chéo
Thực tế cho thấy, sau hơn 30 năm phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội; giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới và khu vực, công tác đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn ở giai đoạn đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Theo Phó tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới hơn 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý, sử dụng đất thời gian qua còn rất nhiều những vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc, thậm chí sai phạm phải xử lý như: chính sách, pháp luật về đất đai vừa chồng chéo, vừa phức tạp nhưng lại thiếu các quy định, chế tài cụ thể dẫn tới khó khăn trong áp dụng thực tiễn, chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất, nhất là cho phát triển kinh tế.
Về vướng mắc trong phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng nhận định: quá trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng của năm chỉ đạt 4,24%, khiến mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra những động lực mới để thực đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.
Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân cho biết, thể chế chính sách về khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đảm bảo tính ổn định, chưa có sự đột phá để phát huy vai trò trong đóng góp kinh tế. Quy định khung với khu công nghiệp, khu kinh tế chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế mới dừng lại ở cấp Nghị định trong khi đó hoạt động khu kinh tế, khu công nghiệp liên quan đến các lĩnh vực khác nhau.
Gỡ “nút thắt” trong quản lý đất đai
Chỉ rõ những “nút thắt” trong 3 lĩnh vực trên, Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phân tích, vấn đề gốc rễ trước hết liên quan đến bất cập về chính sách đất đai, kéo theo vấn đề đầu tư công, vấn đề phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đó là giá đất, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, hạ tầng, môi trường, quy trình, thủ tục, thực thi pháp luật...
Đơn cử như hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vấn đề chậm công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chậm phê duyệt quy hoạch dẫn đến việc lập kế hoạch sử dụng đất chưa phù hợp, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi - chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhiều lần, nhiều trường hợp còn tùy tiện, gây thiếu ổn định cho môi trường kinh doanh... cũng là những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, cũng như trong thực hiện các dự án đầu tư công, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ngoài ra, theo Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên, tồn tại những "nút thắt" còn là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong kinh tế thị trường, vấn đề đầu tư công, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp. Nhận thức về chính sách pháp luật có nơi, có lúc chưa đúng, chưa đầy đủ; ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật còn nhiều hạn chế, máy móc, thiếu linh hoạt, sợ trách nhiệm nên rụt rè, né tránh.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan chưa đáp ứng yêu cầu; vấn đề cải cách hành chính chậm đổi mới, chưa đáp ứng thực tiễn; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư công, các dự án chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch cũng là những lý do gây cản trở, điểm nghẽn.
“Những sai phạm, vi phạm và những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư công, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp cùng với tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng mang lại lợi ích cho cá nhân và lợi ích nhóm, dẫn đến đất bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả cả trong đầu tư công, trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp; tình trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, nhiều dự án bị bỏ hoang hoặc còn trống, đất nông lâm trường bị lấn chiếm, tranh chấp còn nhiều, khiến cho nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và xã hội chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, chưa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Các đại biểu cho biết, việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp đang đặt ra nhiều thách thức do công tác quy hoạch chưa bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, chưa cân đối và tối ưu hóa nguồn lực. Phần lớn các khu công nghiệp phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa có khu công nghiệp chuyên biệt dẫn đến không gia tăng được hiệu quả sử dụng hạ tầng chung. Việc thay đổi mô hình khu công nghiệp là tất yếu theo lộ trình hướng tới khu công nghiệp hiện đại, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường...
Với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra lĩnh vực tài chính công, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và phần nào đóng góp cho sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước; đồng thời những đề xuất, giải pháp của Kiểm toán Nhà nước góp phần phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp như một động lực quan trọng của đất nước…/.
Đỗ Bình/TTXVN