![]() |
Quảng Trị tăng tốc triển khai Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan, tỉnh còn nổi lên như một điểm kết nối kinh tế Việt - Lào với hơn 1,5 triệu tấn than nhập khẩu mỗi năm thông qua cửa khẩu La Lay. Tạo động lực đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng tại đây. |
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao từ trung ương, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) nhằm xúc tiến Đề án thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới (KTTMXBG) chung Lao Bảo - Densavan. Dự án không chỉ kỳ vọng tận dụng lợi thế của Quảng Trị trong vai trò cửa ngõ Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) về phía Việt Nam mà còn hướng đến tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển toàn diện giữa hai tỉnh và hai quốc gia.
Ngày 15/3/2024, tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền tỉnh Savannakhet đã tổ chức Hội thảo “Khu KTTMXBG chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”. Tại đây, đại biểu hai nước thống nhất cao với chủ trương của Chính phủ Việt Nam và Lào, đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án.
Hội thảo nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một khu kinh tế liên kết toàn diện, hiện đại, định hướng phát triển theo mô hình khu thương mại tự do kiểu mới. Khu KTTMXBG chung sẽ gắn kết với các dự án chiến lược như sân bay Quảng Trị, cảng nước sâu Mỹ Thủy, đô thị Đông Hà..., tạo nên chuỗi liên kết kinh tế - hạ tầng – logistics đồng bộ và bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để khu kinh tế phát huy tối đa hiệu quả, cần có cơ chế đặc thù, ưu đãi đầu tư vượt trội, thu hút các doanh nghiệp đầu ngành trong từng lĩnh vực. Việc phát triển công nghiệp chế biến, kinh tế xanh, logistics thế hệ mới sẽ là hướng đi chủ lực, song song với việc xây dựng chính sách chung về hạ tầng, nhân lực và thị trường lao động giữa hai bên.
Đặc biệt, việc áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cửa khẩu Lao Bảo - Densavan cũng được khuyến khích nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thương mại và giao thương quốc tế. Cơ chế này sẽ đơn giản hóa thủ tục hải quan, kiểm tra phương tiện và hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực thông quan và tăng cường kết nối thông tin liên ngành.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẳng định, việc triển khai đề án là một chủ trương đúng đắn, phản ánh quyết tâm chính trị cao từ lãnh đạo cấp cao hai nước. Đề án không chỉ tạo ra không gian phát triển kinh tế xuyên biên giới mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.
Hai tỉnh đã thống nhất đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu Chính phủ hai nước ký kết Hiệp định chính thức về việc xây dựng Khu KTTMXBG chung, làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động phối hợp, quản lý và vận hành khu vực này.
Dự án được đánh giá có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy mạnh mẽ kết nối kinh tế Việt - Lào, đồng thời góp phần củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Trong thời gian gần đây, cùng với những bước tiến về hạ tầng giao thông dọc tuyến Đường 9, đặc biệt tại huyện Sepon (nơi đặt Khu TMBG Densavan), hoạt động đầu tư đã có chuyển động tích cực, kéo theo sự gia tăng rõ rệt về kim ngạch xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Lao Bảo - Densavan.
Nếu được hiện thực hóa, khu kinh tế chung này sẽ trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và trung chuyển hàng hóa quan trọng trên tuyến EWEC, kết nối với Trung Quốc qua tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn - Côn Minh, từ đó tới cảng biển Mỹ Thủy, cảng quốc tế Đà Nẵng, mở rộng sang các nước ASEAN và tiểu vùng Mekong.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào để hoàn thiện đề án, thống nhất các nội dung chính và chuẩn bị sẵn sàng cho việc trình Chính phủ hai nước ký kết hiệp định chính thức. Lào đã nhất trí với đề xuất, thể hiện sự đồng thuận cao trong triển khai dự án.
Đặc biệt, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị vào tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ghi nhận và đánh giá cao các đề xuất của tỉnh. Văn phòng Trung ương Đảng hiện đang chủ trì nghiên cứu, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các bước đi tiếp theo trong việc triển khai mô hình KTTMXBG chung.
Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ trung ương và quyết tâm từ cấp địa phương, kỳ vọng trong tương lai gần, Khu KTTMXBG Lao Bảo - Densavan sẽ đi vào hoạt động như một hình mẫu khu kinh tế xuyên biên giới thế hệ mới: xanh, thông minh, sáng tạo và kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu.