Sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước và 35 năm kể từ ngày tái lập, tỉnh Quảng Trị đã ghi dấu ấn đậm nét trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong đó ngành công thương nổi bật như một trụ cột dẫn dắt tăng trưởng với hàng loạt bước tiến ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực then chốt.
Từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông - lâm - ngư nghiệp, Quảng Trị đã từng bước khẳng định vị thế với sự phát triển đồng bộ của công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo được xem là điểm sáng nổi bật khi tỉnh đã quy hoạch 43 dự án điện gió với tổng công suất lên đến 1.800 MW, 3 dự án điện mặt trời (149,5 MWp) và 17 dự án thủy điện (260,5 MW).
![]() |
Lĩnh vực năng lượng tái tạo được xem là điểm sáng nổi bật của tỉnh Quảng Trị, hiện tỉnh đã quy hoạch 43 dự án điện gió với tổng công suất lên đến 1.800 MW, 3 dự án điện mặt trời (149,5 MWp) và 17 dự án thủy điện (260,5 MW). |
Hiện nay, 33 dự án trong số đó đã vận hành thương mại, đóng góp hơn 1.100 MW vào lưới điện quốc gia, tăng gần 3,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cùng với đó, hàng chục dự án khác đang được triển khai xây dựng hoặc cập nhật vào Quy hoạch điện VIII, hứa hẹn mở rộng quy mô ngành năng lượng trong tương lai gần.
Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cũng nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư điện khí, với tổng công suất các dự án đề xuất đạt hơn 6.300 MW. Trong số này, dự án điện khí sử dụng nguồn khí từ mỏ Báo Vàng do Tập đoàn Gazprom làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 (1.500 MW) cũng đang tích cực triển khai thủ tục xây dựng. |
Nếu như năm 1989, toàn tỉnh chỉ có hơn 1.600 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thì đến nay, con số này đã tăng gần 5 lần, đạt hơn 8.000 cơ sở. Sự hình thành của 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp đã tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển sản xuất quy mô lớn và thu hút đầu tư hiệu quả.
Chỉ số phát triển công nghiệp tăng bình quân 13,1%/năm, lao động trong ngành tăng 2,6 lần, giá trị sản xuất tăng gấp hơn 40 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình hơn 69%, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, gắn với bảo vệ môi trường. |
Nhiều dự án công nghiệp lớn đã đi vào hoạt động, đóng vai trò đầu tàu như nhà máy sản xuất gỗ MDF, nhà máy bia, may mặc xuất khẩu, phân bón, xi măng, chế biến nông sản và các dự án điện gió, điện mặt trời... Đáng chú ý, tiềm năng khai thác cát chứa silic làm nguyên liệu sản xuất thủy tinh cũng đang mở ra cơ hội đầu tư mới cho tỉnh.
Từ chỗ chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, ngành thương mại Quảng Trị đã từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 331 triệu USD, tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 1989–2024. Các sản phẩm chủ lực gồm cà phê, tinh bột sắn, gỗ chế biến và hàng nông sản.
Ngược lại, nhập khẩu tập trung vào nguyên liệu sản xuất và công nghệ, với tổng giá trị đạt 269 triệu USD, tăng bình quân 14%/năm. Cùng với đó, thương mại biên giới được thúc đẩy thông qua việc nâng cấp Cửa khẩu La Lay thành cửa khẩu quốc tế và đầu tư mạnh vào hạ tầng KKT Lao Bảo – trung tâm giao thương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Ngành dịch vụ cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch và logistics. Tỉnh đang định hướng phát triển hệ thống vận tải, kho bãi và trung tâm logistics hiện đại, với mục tiêu trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa của khu vực vào năm 2030.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Trường Khoa khẳng định, thời gian tới, ngành tiếp tục đổi mới toàn diện để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, trong đó xác định Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là trung tâm phát triển công nghiệp trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ dọc các tuyến giao thông huyết mạch, hình thành hành lang kinh tế liên kết từ Cửa khẩu La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy.
Việc mở rộng các khu công nghiệp mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tăng cường liên kết vùng sẽ là những giải pháp chủ lực để đưa ngành công thương Quảng Trị bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.