TMĐT xuyên biên giới là xu hướng tất yếu
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, TMĐT xuyên biên giới đang trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi và ngày càng phổ biến trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bà Huyền cho biết, Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này với nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như Alibaba, JD.com, và Pinduoduo. Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN hoàn thiện hệ sinh thái TMĐT, bao gồm việc xây dựng các trung tâm kho vận kết nối với các tỉnh thành. Từ đó, hàng hóa có thể dễ dàng được phân phối từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, bao gồm Việt Nam.
Thực tế, hàng hóa xuyên biên giới từ các kho hàng gần biên giới Trung Quốc đã và đang được mua qua các nền tảng TMĐT lớn tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Tiki. Việc này mang lại nhiều lợi thế cho DN tham gia TMĐT như thời gian giao hàng nhanh hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn và sự đa dạng trong các sản phẩm. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các DN trong nước.
Thách thức và cơ hội cho DN Việt Nam
Bà Huyền nhận định rằng hàng hóa xuyên biên giới vào Việt Nam qua kênh TMĐT vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với DN Việt. Cơ hội ở đây là việc các DN Việt buộc phải hoàn thiện mình, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thách thức lớn nằm ở việc DN trong nước phải không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao hạ tầng dịch vụ hỗ trợ TMĐT như hạ tầng kho bãi, giao nhận để có thể cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, với hoạt động xuất khẩu, DN Việt cũng có thể tận dụng kênh TMĐT và hệ thống logistics của Trung Quốc để đưa hàng hóa Việt đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh như nông sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP. Hiện nay, các DN Việt Nam cũng đang khai thác rất hiệu quả TMĐT để xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường trong khu vực.
Giải pháp quản lý TMĐT xuyên biên giới
Để quản lý hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài thông qua kênh TMĐT, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021, sửa đổi và bổ sung Nghị định số 52/2013 về TMĐT. Nghị định này yêu cầu các nền tảng TMĐT khi cho phép người bán nước ngoài tham gia phải thực hiện việc định danh người bán, đồng thời chịu trách nhiệm giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa và dịch vụ do người bán nước ngoài cung cấp. Ngoài ra, các nền tảng này cũng có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài.
Bộ Công Thương cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trong việc quảng cáo hàng hóa, sản phẩm nội địa và quốc tế, đảm bảo rõ ràng và minh bạch.
Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT, nhằm tách bạch luồng hàng hóa thông thường và hàng hóa TMĐT, cũng như tăng cường quản lý người bán nước ngoài. Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường TMĐT.
Để hỗ trợ DN phát triển bền vững, Bộ cũng đã triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phối hợp với các sàn TMĐT quốc tế để triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể cho DN Việt.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương với các sàn giao dịch TMĐT năm 2022, trung bình tỉ lệ người bán nước ngoài chiếm khoảng 7% tổng số người bán và số lượng đơn hàng trung bình của người bán nước ngoài chiếm 10,8% tổng số lượng đơn hàng.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay để nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động khuyến khích DN nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhất là trên môi trường TMĐT; khuyến khích DN phát huy lợi thế về am hiểu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Anh Nguyên