Vào ngày thứ Sáu (4/10), Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu để áp thuế quan lên đến 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái được dự đoán sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại với Bắc Kinh.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của khối, hiện đã có thể tiến hành áp dụng các mức thuế này ngay, với thời hạn 5 năm. Theo đó, mười quốc gia thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ biện pháp này, trong khi Đức và bốn quốc gia khác đã bỏ phiếu chống, và 12 quốc gia bỏ phiếu trắng.
EU chính thức áp thuế lên đến 45% đối với xe điện Trung Quốc. |
Quyết định này được EU đưa ra sau kết luận của một cuộc điều tra rằng, Trung Quốc đã trợ cấp không công bằng cho ngành công nghiệp của mình. Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này, và đe dọa sẽ áp thuế đối với các mặt hàng sữa, rượu brandy, thịt lợn và ô tô của châu Âu.
Hiện nay, EU đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Vào tháng trước, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi, đã cảnh báo rằng "sự cạnh tranh được nhà nước Trung Quốc tài trợ" là mối đe dọa đối với EU, khiến cho khối này dễ dàng bị phụ thuộc và ép buộc hơn. Vào năm ngoái, kim ngạch thương mại của EU với Trung Quốc đạt 739 tỷ euro (815 tỷ USD), và đã có sự chia rẽ trong khối về việc liệu có nên tiến hành áp thuế hay không.
EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán để tìm ra giải pháp thay thế cho việc áp thuế. Hai bên đang xem xét liệu có thể đạt được một thỏa thuận về cơ chế kiểm soát giá cả và khối lượng xuất khẩu, thay cho việc áp dụng thuế quan hay không.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, bất kỳ giải pháp thay thế nào cho thuế cũng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, bao gồm phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giải quyết các tác động của trợ cấp từ Trung Quốc và phải có cơ chế giám sát để đảm bảo tuân thủ.
Cụ thể hơn, mức thuế mới có thể lên đến 35% đối với các nhà sản xuất xe điện xuất khẩu từ Trung Quốc, bên cạnh mức thuế hiện hành 10%.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc hiện sẽ phải quyết định xem liệu họ có nên chịu gánh nặng thuế này hay sẽ tăng vào giá bán, trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy giảm đang làm thu hẹp biên lợi nhuận. Viễn cảnh về thuế đã khiến một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cân nhắc tới việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất ở châu Âu để có thể tránh thuế.
Các mức thuế bổ sung này đã khiến đà tăng trưởng của các hãng xe Trung Quốc ở châu Âu chững lại, với doanh số giảm 48% trong tháng 8, xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng. Theo các báo cáo, khu vực EU được cho là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc, vì doanh số bán xe cũng như là giá bán tại đây thường cao hơn so với các thị trường xuất khẩu khác.
Theo đó, tỷ lệ xe điện do Trung Quốc sản xuất bán ra ở EU đã tăng từ khoảng 3% lên hơn 20% trong ba năm qua. Các thương hiệu xe Trung Quốc chiếm khoảng 8% thị phần, còn lại là các công ty quốc tế nhưng đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có Tesla Inc.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Kevin Lau của Daiwa Securities, việc tăng thuế ở châu Âu sẽ chỉ có "tác động không đáng kể" đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, vì khu vực này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số của họ. Ông ước tính châu Âu chỉ đóng góp từ 1% đến 3% tổng doanh số của BYD Co., Zhejiang Geely Holding Group Co. và SAIC Motor Corp. trong bốn tháng đầu năm nay.
Trong khi Brussels đang tìm cách tạo ra sân chơi bình đẳng cho các công ty châu Âu, các nhà sản xuất ô tô Đức lại lo ngại về tác động ngược có thể làm trầm trọng thêm những thách thức mà họ đang phải đối mặt ở thị trường quan trọng nhất của mình. Theo đó, Mercedes-Benz Group AG và BMW AG đã vận động Berlin bỏ phiếu chống việc tăng thuế, và thúc giục EU đàm phán với Bắc Kinh.
Các nhà sản xuất ô tô Đức như Volkswagen, Mercedes và BMW sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại, bởi Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba doanh số bán ô tô của họ trong năm 2023.