Theo ông Mai Văn Phấn, để giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế và hoàn thiện chính sách về cấp Giấy chứng nhận.
Tại Điều 131 quy định bắt buộc người đang sử dụng đất và người được giao quản lý đất để quản lý phải thực hiện việc đăng ký đất đai với cơ quan nhà nước. Kết quả của việc đăng ký là cơ sở để Nhà nước quản lý và căn cứ để xem xét cấp Giấy chứng nhận, người sử dụng đất được ghi nhận vào Hồ sơ địa chính.
Đồng thời, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã mở rộng thời gian xem xét giải quyết cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đến trước năm 2014 để giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do ông/cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai.
Dự thảo cũng bổ sung cho phép UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 ngoài các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định trong dự thảo Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn ở địa phương để giải quyết cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Đặc biệt, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng phân định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận như tách bạch giữa việc xác lập tính pháp lý và cấp giấy chứng nhận lần đầu do cơ quan Nhà nước thực hiện; cấp giấy chứng nhận khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất do cơ quan chuyên môn thực hiện. Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân, cộng đồng dân cư và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Đồng thời, Dự thảo luật cũng bổ sung quy định mở rộng thời gian xem xét cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất được giao trái thẩm quyền đến trước ngày Luật này có hiệu lực, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp người sử dụng đã nộp tiền tại thời điểm giao đất để được sử dụng đất, đồng thời phải đáp ứng điều kiện đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đang và ngay tình của người sử dụng đất.
Dự thảo cũng hoàn thiện, bổ sung quy định để cấp Giấy chứng nhận cho các loại hình bất động sản mới nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng công năng của công trình xây dựng trên đất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của xã hội như: chung cư kết hợp văn phòng, căn hộ du lịch, căn hộ khách sạn… theo hướng công trình được tạo lập trên loại đất nào (đất ở hoặc đất thương mại, dịch vụ; sản xuất kinh doanh) thì chế độ và thời hạn sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận được xác định theo loại đất được giao.
Để đảm bảo tính khả thi khi chính sách mới về cấp Giấy chứng có hiệu lực thi hành, dự thảo Luật Đất đai cũng quy định cụ thể về hình thức nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đều có giá trị pháp lý như nhau để người sử dụng đất thuận tiện, linh hoạt lựa chọn cho phù hợp với điều kiện cụ thể.
Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của người sử dụng đất, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan về nội dung của từng loại giấy tờ trong thành phần của hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính nhằm bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch; tái cấu trúc các quy trình về cấp Giấy chứng nhận, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và thời gian của các cơ quan có liên quan khi giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
T.H