Dự thảo Luật các tổ chức kinh tế hợp tác: Xây dựng hệ sinh thái thu hút nhiều đối tượng tham gia

21:55 22/09/2022

Dự thảo Luật các tổ chức kinh tế hợp tác hướng tới mục đích xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, trong đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, thu hút nhiều đối tượng tham gia, phát huy giá trị tốt đẹp của mô hình hợp tác xã.

Chiều 22/9, tại Hà Nội, Cục phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo lần thứ 6 Luật các tổ chức kinh tế hợp tác (Dự thảo Luật) trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã cho biết, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 

Ảnh minh họa
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo lần thứ 6 Luật các tổ chức kinh tế hợp tác. 

Nghị quyết tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Với định hướng quan trọng này, Dự thảo Luật đã đặt ra yêu cầu rà soát, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tập thể, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển, huy động tối đa nguồn lực xã hội đồng thời đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, giữ vững bản chất, đặc trưng của mô hình kinh tế hợp tác, thể chế hóa đầy đủ chỉ đạo tại Nghị quyết 20-NQ/TW và bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã nhấn mạnh vấn đề đặt ra trong Dự thảo Luật là đổi mới, thu hút thành viên và không làm mất bản chất, đặc trưng của mô hình kinh tế hợp tác; tạo thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác và bảo đảm quyền làm chủ, quyền được tham gia quản lý của tất cả thành viên. Đặc biệt là tránh trục lợi chính sách với không gây khó khăn cho các tổ chức kinh tế hợp tác. 

Ảnh minh họa
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã phát biểu tại hội thảo. 

“Mục tiêu của quá trình sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật là xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, trong đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, thu hút nhiều đối tượng tham gia, phát huy giá trị tốt đẹp của mô hình hợp tác xã, đặc biệt là tạo hành lang pháp lý thông thoáng”, ông Thanh nói.

Với 12 chương, 117 điều, Dự thảo Luật hướng tới xây dựng Chương trình tổng thể về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, giáo dục đào tạo, thông tin, tư vấn, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuế, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và trang thiết bị, kiểm toán, tài chính, đánh giá rủi ro.

Nguyên tắc hỗ trợ được đưa ra là không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tiêu chí lựa chọn có ưu tiên, hỗ trợ phí kiểm toán và tổ chức kinh tế hợp tác không phải kiểm toán bắt buộc cũng như tính đến việc ưu tiên cho đối tượng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ.

Tại Hội thảo, một số ý kiến đề nghị giữ hai phương án, trong đó phương án 1 là “Luật các tổ chức kinh tế hợp tác” và phương án 2 là “Luật Hợp tác xã” (có ưu tiên nghiêng phương án 1 hơn).

Các ý kiến cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn toàn căn cứ trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với hiện tại và xu thế chung hướng tới, tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở đề xuất bỏ phương án sản xuất kinh doanh khi đăng ký thành lập.

Theo đó, có thể đăng ký trực tuyến và giảm số lượng thành viên dựa trên từng quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn. Đồng thời làm rõ hơn sự liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nỏi riêng, các quy định pháp lý phù hợp trong quản lý mô hình hợp tác xã mới, hợp tác xã là doanh nghiệp, hợp tác xã trong hợp tác xã.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, khảo sát chi tiết hơn để phân loại hợp tác xã hiệu quả, nhất là với hợp tác xã khu vực nông nghiệp.

Hà Anh