Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành, hiệp hội doanh nghiệp, cùng hơn 3.450 doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tập đoàn trong và ngoài nước.
Bản quy hoạch chất lượng sẽ giúp địa phương đạt được mục tiêu nhanh nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức cho biết: Là một địa phương có vị trí địa chính trị quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ nên chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, công việc xây dựng và triển khai Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Phải tận dụng cơ hội này để phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, kiến tạo động lực phát triển mới, kết hợp thực hiện 05 đột phá chiến lược: khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các khu công nghiệp xanh, giảm phát thải cac-bon, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển tổ hợp giáo dục, đào tạo; triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp. Đồ án Quy hoạch Đồng Nai sẽ tạo ra một động lực mới cho các doanh nghiệp, mở ra một tương lai hợp tác giữa doanh nghiệp với tỉnh Đồng Nai”.
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nêu bật quy hoạch của tỉnh Đồng Nai cần "một tập trung, hai đột phá, ba tăng cường" .Ảnh VGP. |
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho rằng, quy hoạch là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, địa phương nào. Quy hoạch có vai trò dẫn dắt toàn diện, cái gì tốt thì kế thừa và điều chỉnh cái chưa tốt. Nếu quy hoạch tốt sẽ có nhà đầu tư tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đồng Nai nên tìm ra điểm khác biệt của địa phương mình để phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng khuyến nghị tỉnh nên có “một trọng tâm”: Huy động mọi nguồn lực, trong và ngoài nước, hợp tác công tư làm sao để thực hiện một bản quy hoạch mang tính đột phá. Tập trung vào kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ. “Hai tăng cường” là lấy đầu tư vào con người, bao gồm năng lực, trí tuệ, trình độ, an sinh xã hội đảm bảo, chăm lo cho người yếu thế, khó khăn. Đồng Nai có vi trí giao thông thuận lợi nên kết nối bằng các phương thức giao thông với các địa phương, văn hóa, giáo dục. Và cuối cùng là “Ba đột phá” về hạ tầng giao thông, chiến lược, đột phá khoa học công nghệ, làm sao phát triển bền vững, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Cần có lộ trình xây dựng bản quy hoạch, ưu tiên cái gì quan trọng làm trước.
Với 5 đột phá, được tỉnh chú trọng tổ chức các phương án phát triển không gian theo 3 vùng kinh tế: Vùng Phía Tây (từ đường vành đai 4 đến sông Đồng Nai gồm TP.Biên Hòa, các đô thị Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và 8 xã của huyện Vĩnh Cửu - hạt nhân phát triển chính là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai, Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch) - định hướng lấy công nghiệp hàng không, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao làm phương hướng chủ đạo.
Vùng phía Đông (nằm phía Nam hồ Trị An và sông La Ngà, phía Tây Vành đai 4, bao gồm thành phố Long Khánh, các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất và 05 xã Suối Nho, Phú Túc, Túc Trung, Phú Cường, La Ngà của huyện Định Quán). Đây là vùng động lực phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ với thành phố Long Khánh làm hạt nhân trung tâm.
Định hướng phát triển: Phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa quy mô vừa và nhỏ làm phương hướng chủ đạo; phát triển các ngành công nghiệp gắn với thế mạnh địa bàn, từng bước hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, thương mại.
Vùng phía Bắc (nằm ở phía Bắc hồ Trị An và sông La Ngã, gồm phần còn lại của huyện Vĩnh Cửu, huyện Định Quán và toàn huyện Tân Phú). Vùng này tập trung phát triển nông nghiệp - du lịch - sinh thái với cặp đô thị Định Quán - Tân Phú là hạt nhân trung tâm.
Định hướng phát triển: Lấy bảo tồn, phát triển các giá trị sinh thái đặc trưng bản địa, gắn với đô thị hóa quy mô nhỏ làm phương hướng chủ đạo; phát triển các vùng chăn nuôi, chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao; ổn định đời sống dân cư khu vực nông thôn, tăng mật độ che phủ rừng, góp phần cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường vùng, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước.
Quy hoạch 5 nhóm ngành kinh tế quan trọng làm mũi nhọn và phát triển đô thị thị theo hướng xanh, thông minh
Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung vào 5 nhóm ngành kinh tế quan trọng: Trung tâm công nghiệp và dich vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại. Thành phố sân bay – trung tâm hội nhập quốc tế; Phát triển du lịch đô thị dịch vụ; Nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; Phát triển bền vững theo hướng phát triển và sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số. Phát triển kinh tế tuần hoàn xuyên suốt, đồng bộ các ngành.
Các nhà đầu tư được trao quyết định đầu tư và cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh VGP. |
Với 56 dự án được quy hoạch và mời gọi đầu tư, Đồng Nai hướng đến năm 2030 có 19 đô thị: trong đó loại I (thành phố Biên Hòa); 2 đô thị loại II (thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại III (Long Thành), 7 đô thị loại IV (Thị xã Trảng Bom, Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray) và 8 đô thị loại V (Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray).
Giai đoạn 2030-2050: Đồng Nai có 26 đô thị, bao gồm 3 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và đô thị Nhơn Trạch); 1 đô thị loại II (thành phố Long Thành), 1 đô thị loại III (thành phố Trảng Bom); 7 đô thị loại IV (thị xã Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Thạnh Phú, Long Giao, Gia Ray) và 14 đô thị loại V.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích 18.543 ha. Quy hoạch 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.874ha, trong đó quy hoạch mới 11 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 672ha.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: Quy hoạch là ước mơ cho tương lai ngắn hạn và dài hạn. Thực hiện quy hoạch là làm sao chúng ta thúc đẩy quá trình biến ước mơ đó thành hiện thực. Khi quy hoạch được phê duyệt thì phải quản lý quy hoạch thật chặt chẽ. Ông Lĩnh cũng xác định kêu gọi đầu tư là vấn đề then chốt, cần thu hút được các nhà đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện dự án đã được quy hoạch từ đó mới biến ước mơ thành hiện thực.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai -Nguyễn Hồng Lĩnh mời gọi các nhà đầu tư hãy đến xây dựng chiến lược phát triển 100 năm tại Đồng Nai. ẢNh VGP. |
Nhân dịp này, Đồng Nai mời gọi nhà đầu tư không những đến đầu tư, phát triển cùng Đồng Nai mà hãy đến cùng xây dựng Chiến lược phát triển 100 năm tới tại Đồng Nai, vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở tính toán trong tổng thể chung của Vùng Đông Nam Bộ dựa theo lợi thế, tiềm năng của từng địa phương và của tỉnh Đồng Nai. Với nền tảng đó, Đồng Nai sẽ phát triển dựa trên sự hợp tác liên kết chặt chẽ với các địa phương trong Vùng, khu vực, phát huy tối đa các điều kiện, các lợi thế của tỉnh đã được xác định, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thành phố Sân bay gắn với sân bay quốc tế Long Thành; Chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai nhanh chóng triển khai, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, hệ thống đường tỉnh kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Vùng, góp phần cho sự phát triển phồn vinh của Quốc gia...
Được biết, những năm qua Đồng Nai luôn đứng trong bảng xếp hạng top đầu thu hút vốn FDI. Năm 2023, tổng vốn đầu tư thu hút dự án FDI là 1,23 tỷ USD, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2022 (1,15 tỷ USD) và tăng 11,5% so với kế hoạch năm (1.100 triệu USD). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 thu hút đầu tư trong nước đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với với ngành nghề đầu tư của các dự án cấp mới, tỉnh Đồng Nai vẫn tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghiệp phụ trợ, cụ thể trong năm 2023 thu hút được 39 dự án mới thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm 50,6% số dự án mới) với vốn đầu tư đăng ký là 340,37 triệu USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký mói. Các dự án FDI thu hút mới gồm các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhựa, cơ khí, thực phẩm, logistic…
Trong dịp này, tỉnh Đồng Nai trao giấy phép đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD.
Các dự án kêu gọi đầu tư: Xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai. - Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp: 10 khu công nghiệp. - Phát triển hạ tầng Cụm công nghiệp: 11 Cụm công nghiệp. - Các khu chức năng gồm: Khu công nghệ cao; Khu công nghệ thông tin tập trung; khu đổi mới sáng tạo. - Thương mại: 4 dự án. - Nông nghiệp: 6 nhóm dự án; Hạ tầng giao thông: 17 nhóm dự án. - Năng lượng: 12 dự án; - Cấp nước – thoát nước – xử lý chất thải: 20 dự án - Khu đô thị - dân cư: 9 nhóm dự án; - Y tế - Giáo dục: 18 dự án - Văn hóa – Thể thao – Du lịch: 11 dự án |