Một trong những chiến lược được quan tâm hàng đầu của Hậu Giang là chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ không ngừng cải thiện và mở rộng các tuyến đường bộ, đường thủy nhằm tăng cường kết nối địa bàn toàn tỉnh và mở rộng giao thương với các tỉnh thành trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ (Ảnh: Kinh tế dự báo). |
Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai một số dự án xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chợ đầu mối…để không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho lao động mà còn thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài tỉnh cho ngành nông sản - thủy sản.
Hướng đến nền kinh tế số chung của Việt Nam, tỉnh Hậu Giang đang tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua việc triển khai định hướng sản xuất theo quy trình an toàn, bền vững, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Những sản phẩm chủ lực của địa phương như gạo, trái cây và thủy sản được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; khuyến khích các mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã thông qua đó sẽ tăng cường sức cạnh tranh cho nông nghiệp.
Hậu Giang có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng (Ảnh: Song Vy - H. Diễm). |
Là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn trong lĩnh vực du lịch, với hệ thống sinh thái phong phú như rừng tràm, chợ nổi..có nhiều làng nghề, khu di tích lịch sử và các địa điểm gắn với nền văn hóa đa dạng của dân tộc nơi đây, những năm qua, tỉnh đang nỗ lực phát triển du lịch thông qua việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng; khai thác vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa để thu hút du khách. Những hoạt động này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa và môi trường mà còn góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút du khách, Hậu Giang cũng đang chú trọng vào việc quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua các sự kiện, chương trình triển lãm, hội chợ và các các hoạt động truyền thông. Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn…
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng luôn đề cao phát triển nguồn nhân lực và coi đó là yếu tố then chốt trong việc hiện thực hóa các chiến lược phát triển. Tỉnh đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đặc biệt, các chương trình đào tạo nghề và khởi nghiệp cho thanh niên đang được khuyến khích và phát triển mạnh mẽ.
Ngoài ra, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, Hậu Giang luôn chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp và hấp dẫn đầu tư. Tỉnh áp dụng các chính sách ưu đãi cho những nhà đầu tư đến tìm hiểu và phát triển dự án tại đây, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản, công nghiệp và dịch vụ.
Một góc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: chinhphu.vn). |
Với nhiều nỗ lực trong việc cải cách, đổi mới và phát triển, tỉnh Hậu Giang đang từng bước khẳng định vị thế của mình như một tỉnh năng động trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sự chuyển mình này đang tạo đà cho một tương lai phát triển bền vững. Trước những bước đi mạnh mẽ trong chiến lược, tTỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý từ các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.