Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên) là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực Thành phố Thủ Đức qua quận Bình Thạnh vào khu trung tâm quận 1, khi khai thác sẽ giúp giao thông TP. Hồ Chí Minh giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Tuyến có chiều dài 19,7km, bao gồm 14 ga: Bến Thành; Nhà hát Thành phố; Ba Son; Công viên Văn Thánh; Tân Cảng; Thảo Điền; An Phú; Rạch Chiếc; Phước Long; Bình Thái; Thủ Đức; Khu Công Nghệ cao; Đại Học Quốc Gia; Bến xe Suối Tiên.
Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị đang thông tin đến báo chí . |
Theo bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM cho biết, trong 06 tháng đầu sẽ thực hiện giờ mở tuyến: 05h00; giờ đóng tuyến: 22h00; giãn cách chạy tàu: đều đặn 8-12 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên mở tuyến sẽ bắt đầu từ 10h00. Sau 6 tháng, giờ mở tuyến: 05h00; giờ đóng tuyến: 23h30; giãn cách chạy tàu: đều đặn 5-10-15 phút/chuyến (tương ứng với các khung giờ: cao điểm/bình thường/thấp điểm).
Về giá vé: Vé lượt (vé chặng): Đi một ga 7.000đ và đi cả tuyến 20.000đ/lượt. Vé ngày: 40.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt. Vé 3 ngày: 90.000 đồng, có giá trị trong ba ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng (phổ thông, ưu tiên): Phổ thông: 300.000 đồng/ tháng; Ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/ tháng..
Thực hiện chính sách vé miễn phí các cho đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 29/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của HĐND TP. Hồ Chí Minh (miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật). Đặc biệt, trong 30 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố hoàn thiện. Theo đó, có 17 tuyến buýt gom kết nối đến các nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1. Trong 30 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, hành khách sử dụng 17 tuyến xe buýt kết nối này được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Hành khách sử dụng phương tiện cá nhân, có thể gửi tại các bãi trông giữ xe gần các nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1 (Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Bến xe Suối Tiên, …. ) ; hành khách lưu thông trên tuyến đường sắt đô thị số 1 có thể sử dụng các cầu đi bộ tại các ga: Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công Nghệ Cao và Đại học Quốc Gia để tiếp cận an toàn, thuận lợi các công trình tiện ích dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội.
Bà Văn Thị Hữu Tâm - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP. HCM |
Cũng thông tin thêm từ phía Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP. HCM, bà Văn Thị Hữu Tâm - Phó Giám đốc công ty chia sẻ, nhằm phục vụ người dân tham gia trải nghiệm tuyến Metro số 1 thuận lợi kể từ ngày vận hành, Ban Quản lý Đường sắt đô thị (Chủ Đầu tư) và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (Đơn vị vận hành) đã chuẩn bị và triển khai các phương án hướng dẫn cụ thể. Hệ thống nhà ga được trang bị đầy đủ bảng chỉ dẫn, sơ đồ tuyến và thông tin cụ thể về giờ tàu chạy, các điểm dừng đỗ để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Lực lượng nhân viên nhà ga và các tình nguyện viên sẽ túc trực tại các nhà ga để hướng dẫn hành khách làm quen với cách thức sử dụng Metro một cách thuận tiện, an toàn.
Trong thời gian đầu, tuyến Metro số 1 hoạt động: Từ 05 giờ 00 – 22 giờ 00 mỗi ngày, chuyến đầu tiên xuất phát lúc 5 giờ và chuyến cuối cùng sẽ xuất phát lúc 22 giờ với 09 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có khả năng chở tối đa 930 khách (gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng) thời gian giãn cách 8-12 phút/chuyến, tổng số chuyến mỗi ngày là 200 chuyến. Tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Thời gian di chuyển từ ga Bến Thành đến ga Bến xe Suối Tiên là 29 phút (18,821km). Hành khách có thể lên tàu tại bất kỳ ga nào trong tổng số 14 nhà ga của tuyến Metro số 1. Tại các nhà ga trên cao (trừ nhà ga Bến xe Suối Tiên) có các bãi giữ xe bên dưới các nhà ga.
Chính thức đưa vào hoạt động tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) |
Người dân có thể sử dụng hệ thống xe buýt điện kết nối các nhà ga tuyến Metro số 1 (miễn phí vé từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 20/01/2025). Đối với người dân sử dụng phương tiện cá nhân, có thể gửi xe tại các bãi xe nằm cạnh các nhà ga: Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái.
Tại 03 ga ngầm của tuyến Metro số 1, hành khách có thể sử dụng các trạm xe đạp công cộng; xe buýt… để di chuyển. Ngoài ra hành khách sử dụng xe cá nhân có thể gửi xe tại các bãi xe công viên, trung tâm thương mại, các tòa nhà cao tầng…
Đối với người đi bộ, tuyến Metro số 01 có 09 cầu đi bộ kết nối vào các nhà ga, cải tạo lối đi cho người đi bộ tiếp cận.
Ngoài ra để giúp hành khách kịp thời cập nhật thông tin khi sử dụng metro và hướng đến hình thành văn hóa sử dụng metro, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 sẽ thường xuyên cập nhật trên trang mạng xã hội chính thức (HCMC METRO, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1)(MXH Facebook: …) và ứng dụng HCMC METRO trên điện thoại di động HCMC METRO HURC về các thông tin liên quan: lịch trình và thời gian chạy tàu; giá vé; chỉ dẫn an toàn, hướng dẫn sử dụng và văn hóa ứng xử khi đi Metro; các hành vi cấm theo quy định khi sử dụng Metro;….
Việc vận hành chính thức tuyến Metro số 1 là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP. Hồ Chí Minh. Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được xây dựng và đưa vào khai thác tại Thành phố, tuyến có chiều dài 19,7 km, kết nối trung tâm Quận 1 với khu vực phía Đông của TP. Hồ Chí Minh như Bình Thạnh và TP. Thủ Đức. Tuyến Metro số 1 không chỉ giúp giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường huyết mạch như Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp) mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP. Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thành phố, góp phần xây dựng TP. Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt. |