Đối thoại lấy ý kiến đóng góp dự thảo Nghị định về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

00:00 12/10/2020

Việc xây dựng, ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Toàn cảnh hội nghị

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 12/6/2017 giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 14. Cùng với đó, ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, trong đó có giao Bộ Tư Pháp chủ trì xây dựng “Nghị quyết về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 25/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” trình Chính Phủ ban hành năm 2018 (tháng 12).

TS Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Ban Quản lý Chương trình 585

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai Luật ở các địa phương còn chậm, nhiều chính sách hỗ trợ của Luật chưa hoặc chậm được cụ thể hóa, nhất là những điều khoản quy định về xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Ông Lê Văn Khương - Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch đầu tư

Tại “Hội nghị đối thoại lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự thảo Nghị định ngày 26/9/2018-Sau thẩm định)”, diễn ra sáng 27/9/2018, tại Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đối thoại hết sức thẳng thắn.

Các ý kiến thảo luận đều nhất trí cho rằng, Nghị định phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật; nội dung hỗ trợ phải có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo hiệu quả và thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự thảo còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chồng lấn, thuật ngữ, kỹ thuật văn bản chưa chuẩn xác… Cần làm rõ, bổ sung, cân nhắc, chỉnh lý cho phù hợp.

Ông Lữ Mai Thanh Tùng - Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam

Những nội dung khác như: nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về pháp luật; công khai các bản án, quyết định, phán quyết của trọng tài thương mại, văn bản trả lời của các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai mạng lưới tư vấn viên tư vấn pháp luật; cơ chế đảm bảo nguồn lực và kinh phí cho hoạt động Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các nội dung của Nghị định mới này... cũng được đại biểu đóng góp ý kiến sôi nổi, phong phú.

Chủ trì Hội nghị, TS Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Ban Quản lý Chương trình 585, đã tiếp thu các ý kiến góp ý, đề xuất của đại biểu và có trách nhiệm chỉ đạo tổng hợp, trình Ban soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP để Nghị định nhanh chóng được hoàn thiện.

 Đỗ Thảo- Thu Giang