Doanh nghiệp nước ngoài đặt câu hỏi về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu

16:53 19/03/2023

Mối quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng tương tự như nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác khi nhắc đến chính sách sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024 tới đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các quy định hiện hành về ưu đãi đầu tư, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm thuế suất ưu đãi và miễn thuế, miễn thuế nhập khẩu; ưu đãi thuê đất, thuê mặt nước.. tới đây sẽ thế nào?

Vào tháng 10/2021, 136 quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán do OECD tổ chức và đồng ý với Giải pháp cải cách thuế hai trụ cột, bao gồm Trụ cột 2 về Mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%. Các quốc gia thành viên của OECD và các thành viên của Khuôn khổ toàn diện hiện đang sửa đổi luật pháp trong nước của họ để đảm bảo tuân thủ vào năm 2024.

Các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam cũng như các tập đoàn Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài lo ngại về tác động của Trụ cột 2.

“Liệu việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu có làm giảm hoặc mất đi các ưu đãi về thuế (đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp) mà các doanh nghiệp này đang được hưởng theo quy định hiện hành hay không. Liệu Chính phủ Việt Nam có đền bù trong trường hợp các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kém thuận lợi hơn hoặc trở nên kém hiệu quả do áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không”, ông Greg Testerman đặt các câu hỏi cụ thể tới Chính phủ Việt Nam trong phần phát biểu tại VBF 2023.

Chủ tịch AmCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên nghiên cứu tác động cuối cùng của mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các nhà đầu tư và công ty tại Việt Nam, và các giải pháp tiềm năng để đền bù cho những doanh nghiệp có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kém thuận lợi hơn hoặc kém hiệu quả do áp dụng chính sách thuế này.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) kiến nghị Chính phủ Việt Nam đưa vào hoạt động lực lược biệt phái của Chính phủ liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời mong muốn nhanh chóng triển khai các nghiên cứu lập pháp và thủ tục lập pháp.

Ông Gabor Fluit, tân Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp tới, Chính phủ Việt Nam cần có các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Theo phân tích của EuroCham, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chủ yếu là hình thức ưu đãi trên thu nhập, tức là chỉ khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thu nhập chịu thuế thì khi ấy mới có thể hưởng các lợi ích từ ưu đãi thuế.

Trong khi đó, các hình thức ưu đãi trực tiếp về mặt chi phí chưa phổ biến theo quy định tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thường chưa có lãi trong các năm đầu hoạt động do chi phí cố định phát sinh lớn đối với các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nghiên cứu phát triển, theo đó những doanh nghiệp này sẽ cần các hình thức ưu đãi trực tiếp hơn.

Cụ thể, EuroCham nhắc đến ưu đãi hỗ trợ về mặt chi phí, ví dụ như hỗ trợ chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn các hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển, cũng như chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Đây là lý do EuroCham khuyến nghị cân nhắc bổ sung các chính sách ưu đãi về mặt chi phí (ví dụ như hỗ trợ chi phí đối với các khoản đầu tư vào hạ tầng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoặc chuyển giao công nghệ) để khuyến khích các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên có chọn lọc.

Có nghĩa là, các dự án có vốn đầu tư lớn, đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất (nhà xưởng, máy móc...; các dự án phát sinh các chi phí đầu tư lớn công nghệ, nghiên cứu phát triển lớn, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ cao, dự án nghiên cứu phát triển, sản xuất phương tiện chạy bằng điện.

Đặc biệt, EuroCham cân nhắc bổ sung ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phương tiện chạy bằng điện ở mức ưu đãi cao – tương đương với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, thuế suất ưu đãi 10% áp dụng trong 15 năm; và miễn thuế trong 04 năm, giảm 50% thuế trong 09 năm tiếp theo.

Hiện tại, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp không có ưu đãi đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phương tiện chạy bằng điện (ví dụ ô tô điện) dù lĩnh vực này rất phù hợp với chiến lược phát triển xanh của Việt Nam cũng như việc thực hiện các cam kết COP26.

Chỉ còn chưa đến 1 năm, tính từ nay đến thời điểm chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến chính thức được áp dụng tại Việt Nam - năm tài chính 2024. Bởi vậy, cần có sự chuẩn bị và thích nghi trong việc cân bằng giữa sự thống nhất quy định thuế tối thiểu toàn cầu ở phạm vi quốc tế với chính sách thuế trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Thuế tối thiểu toàn cầu được kiến tạo nhằm giải quyết những rủi ro tiềm ẩn về thuế phát sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế, nằm trong Chương trình Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) với sự tham gia của 141 quốc gia thành viên trên thế giới.

Dự kiến, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng tại Việt Nam từ năm tài chính 2024. Bởi vậy, cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để vừa đảm bảo hài hòa trách nhiệm tuân thủ quy định chung trên sân chơi thương mại quốc tế và lợi ích quốc gia về cạnh tranh thuế, vừa duy trì sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Hoài Phương