.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang, đã đưa ra dự báo như trên tại buổi họp báo công bố tổ chức sự kiện Cotton Day Vietnam vào chiều 14-9 tại TPHCM.
Dịch chuyển nhanh vào Việt Nam
Tại cuộc họp, khi nhận câu hỏi về nhận định việc dịch chuyển sản xuất dệt may của các nước ở Trung Quốc qua Việt Nam sau dịch bệnh, người đứng đầu Vitas cho rằng đây là xu thế tất yếu và là xu thế của thị trường thay đổi.
Trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc được xem là những "cường quốc" dệt may hàng đầu thế giới. Bây giờ các nước và vùng lãnh thổ này đang giảm dần sản xuất lĩnh vực này.
"Do đó, việc chuyển dịch sản xuất sang các nước khác là điều tất yếu", ông Giang phân tích, và ông cho rằng không xảy ra dịch họ cũng dịch chuyển và Covid-19 càng thúc đẩy việc dịch chuyển nhanh hơn.
"Việt Nam là một thị trường có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự dịch chuyển đầu tư này", ông Giang nói.
Trên thực tế sự dịch chuyển này đã xảy ra. Không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc mà sự dịch chuyển này còn đến từ các nước như Ý, Đức và thậm chí là của nước Nga xa xôi, điều mà những người làm trong ngành này trước đây không hề nghĩ tới, ông Giang nói.
Người đứng đầu Hiệp hội chỉ ra các doanh nghiệp đến từ Ý đã nhanh chân rót vốn đầu tư tại cụm sản xuất quy mô lớn từ sợi - dệt - nhuộm - may ở huyện Phù Cát tỉnh Bình Định và dự án nhà máy dệt ở Khu công nghiệp Phố Nối (tỉnh Hưng Yên).
Một lưu ý nữa là sản xuất chỉ trước đây chủ yếu là đầu tư của Hàn Quốc nhưng giờ đây Việt Nam đã có tất cả các nhà máy sản xuất chỉ của các nhà đầu tư thuộc 5 nước có ngành sản xuất chỉ hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy các nhà đầu tư trong ngành dệt may các nước đã nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam, ông Giang nói.
"Cho nên cái dòng dịch chuyển đầu tư từ nay đến 2025 sẽ rất nhanh nhất là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực", ông Giang dự báo và cho rằng sự dịch chuyển dòng đầu tư này sẽ càng nhanh sau khi đại dịch được kiểm soát.
Lãnh đạo Vitas cho rằng sự dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ đất nước gia tăng tỷ trọng phần cung ứng bị thiếu hụt. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước gia tăng tỷ trọng nội địa hóa, được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Hiện tại Việt Nam chỉ đáp ứng nội địa từ 47-48%, và với sự gia tăng dịch chuyển đầu tư của các nước thì ngành có thể nâng lên đạt 67-68% trong thời gian tới.
Điều này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất thoát khỏi làm gia công theo đơn đặt hàng. Theo ông Giang trên thực tế tỷ trọng doanh nghiệp trong ngành dệt may trong nước làm thuần gia công đã giảm nhiều, chuyển dần sang làm FOB hay OEM...
Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Covid "thổi bay" mục tiêu xuất khẩu
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 8 của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 8 tháng năm 2020 ước đạt 19,25 tỉ đô la Mỹ, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói, do ảnh hưởng của đại dịch, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.
Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
Từ hồi đầu năm, toàn ngành đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ đô la, nhưng với tình hình dịch Covid-19 này thì theo ông Vũ Đức Giang, khả năng chỉ đạt 32 đến 32,5 tỉ đô la.
"Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của thị trường trong ba tháng cuối năm như thế nào để tính toán tiếp", ông Giang nói.
Lê Hoàng