Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã gửi hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sang Bộ Tư pháp để thẩm định và tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Đáng chú ý, trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hiện tại, Luật Việc làm quy định chỉ có 5 nhóm lao động được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: Người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, lao động thuộc hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, và thân nhân của người có công với cách mạng. Tuy nhiên, số lượng đối tượng thụ hưởng rất ít. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm 2013, từ năm 2017 đến nay, chỉ có gần 1.800 lao động được hỗ trợ.
Trong khi đó, nhiều địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng khác đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn ngân sách địa phương, bao gồm thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, và thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do các quy định này chưa đồng nhất hoặc chỉ áp dụng tại từng địa phương, không đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất bổ sung thêm các đối tượng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm:
Người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình.
Người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, phương án này sẽ làm tăng chi phí hỗ trợ cho các đối tượng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng nguồn vốn để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 là khoảng 570 tỷ đồng, bao gồm 270 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 200 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và 100 tỷ đồng từ vốn huy động hợp pháp khác. Bình quân mỗi năm là khoảng 115 tỷ đồng.
Bộ Tài chính góp ý rằng, việc mở rộng đối tượng này cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bộ Tài chính lo ngại việc bổ sung các đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mà không phân biệt khả năng chi trả có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, và không đảm bảo tập trung ưu tiên cho các đối tượng yếu thế. Cùng đó, các đối tượng mới này không phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn là thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
P.V (t/h)