![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc họp với các bộ, ngành về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Ảnh VGP |
Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành liên quan về việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động trao đổi ở cấp kỹ thuật với Bộ Xây dựng nhằm xác định rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển nhà ở xã hội thời gian qua. Trên cơ sở kết quả phối hợp, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ, đề xuất nghiên cứu việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia – một định chế tài chính mới nhằm hỗ trợ phát triển lĩnh vực này một cách bền vững.
Động thái này xuất phát từ Chỉ thị số 34-CT/TW do Ban Bí thư ban hành ngày 24/5/2024, trong đó yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát triển nhà ở, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Trên cơ sở chỉ đạo này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg, giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu việc hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc một mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ dài hạn, bền vững cho lĩnh vực này. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của một doanh nghiệp nhà nước chuyên trách đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 8/1/2025, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi lãnh đạo Chính phủ, báo cáo về đề án nghiên cứu định chế tài chính phục vụ phát triển nhà ở xã hội. Trong tờ trình, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến các cơ chế tài chính phục vụ phát triển nhà ở xã hội.
Qua rà soát, Bộ Tài chính nhận định rằng, ở cả trung ương và địa phương hiện đã tồn tại một số định chế tài chính cũng như cơ chế chính sách cho vay ưu đãi đối với các hoạt động phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh các chương trình tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là nguồn vốn ưu đãi hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Vì vậy, để triển khai nhanh chóng, hiệu quả và khả thi, Bộ Tài chính đề xuất không thành lập định chế tài chính mới mà nên tận dụng hệ thống định chế tài chính hiện có để thực hiện nhiệm vụ cho vay phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Trung ương và các địa phương cần ưu tiên phân bổ nguồn lực, xây dựng các cơ chế hỗ trợ cần thiết nhằm giúp các định chế tài chính này mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả cho vay trong lĩnh vực nhà ở xã hội.
Tiếp theo đó, ngày 18/3/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Văn bản số 13848-CV/VPTW, trong đó Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025–2030. Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu huy động đa dạng các nguồn lực – bao gồm cả ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa – để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trước năm 2030.
Trong dự thảo Nghị quyết đang được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một nội dung đáng chú ý là đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, nhằm thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm: (1) Hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; (2) Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Đồng thời, dự thảo cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý và nguồn ngân sách cấp hằng năm cho quỹ này.
Cùng với việc trình bày đề xuất thành lập Quỹ, báo cáo của Bộ Tài chính cũng đưa ra đánh giá toàn diện về các vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở xã hội hiện nay cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Nội dung bao gồm các vấn đề liên quan đến hỗ trợ kinh phí bồi thường, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cơ chế cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp và người dân được hưởng chính sách nhà ở xã hội; cũng như các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức đầu tư vào lĩnh vực này tại một số quốc gia đi trước.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, đồng thời đưa ra định hướng cho việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành gồm Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thảo luận, phân tích về cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn của việc thành lập Quỹ, đồng thời góp ý về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy mô hoạt động, đối tượng phục vụ, cơ quan chủ quản và nguồn lực thành lập quỹ.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người trẻ dưới 35 tuổi có nhu cầu thuê, mua nhà ở phù hợp. Chính phủ thống nhất tên gọi chính thức của quỹ là "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia".
Đây sẽ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập bởi Nhà nước nhưng hoạt động độc lập, không trùng lặp với các nhiệm vụ chi ngân sách hiện hành. Về nguồn lực, Quỹ dự kiến được huy động từ nhiều kênh: ngân sách nhà nước cấp; đóng góp tự nguyện của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội trong các dự án thương mại; đóng góp từ các tổ chức, cá nhân; và các nguồn hợp pháp khác.
Về chức năng và mô hình hoạt động, Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ tập trung vào việc đầu tư, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người trẻ. Quỹ được tổ chức theo hai cấp: cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý; cấp địa phương do UBND cấp tỉnh phụ trách triển khai.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, tiếp thu ý kiến các bộ ngành tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia cũng như dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.