Để phát triển ngành gỗ cần kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu

12:33 02/04/2021

Giám sát chặt chẽ hoạt động của các DN có dấu hiệu gian lận trong NK từ thị trường Trung Quốc nói riêng, tăng cường kiểm soát, đảm bảo NK gỗ hợp pháp từ các thị trường khác nói chung là điểm mấu chốt thúc đẩy tăng trưởng chế biến, XK gỗ thời gian tới.

Giảm nhập nguyên liệu, tăng nhập sản phẩm

Báo cáo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng 2020 và xu hướng phát triển là sản phẩm hợp tác” của nhóm nghiên cứu gồm: Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) vừa được công bố. Trong đó, câu chuyện NK gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam gây nhiều chú ý với những phân tích kỹ lưỡng trong chuyển dịch mặt hàng NK. 

  Quản lý chặt nhập khẩu để phát triển nghành gỗ trong nước ( ảnh: internet).

Cụ thể, năm 2020, giá trị NK G&SPG đạt 2,55 tỷ USD, giữ mức ổn định so với năm 2019. 5 thị trường cung cấp G&SPG chính cho Việt Nam, gồm Trung Quốc, Mỹ, Cameroon, Thái Lan, Chile. Giá trị NK từ 5 thị trường này đạt 1,57 tỷ USD, chiếm trên 61% tổng giá trị NK từ tất cả các thị trường. Về chủng loại NK, các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm gỗ như: Gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại ván nhân tạo vẫn là các mặt hàng chính Việt Nam NK. Tuy nhiên, ngoài các loại nguyên liệu đầu vào chính này, các mặt hàng như ghế ngồi, bộ phận đồ nội thất là các nhóm hàng có giá trị NK lớn.

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Tổ chức Forest Trends phân tích, NK đồ gỗ nói chung (HS 9403) tăng nhanh trong năm 2020, đạt 187,96 triệu USD, tăng tới 51% so với năm 2019. Đáng chú ý, NK mặt hàng bộ phận đồ gỗ (HS 9403. 90) tăng nhanh tới 97% về giá trị nhập, đạt trên 146,57 triệu USD. Có tới 84% giá trị bộ phận đồ gỗ được nhập từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng mới NK trong năm 2020 gây chú ý lớn là mặt hàng gỗ dán đã cắt thành hình làm phần khung và đáy của ghế sofa. Trong năm 2020, Việt Nam đã nhập trên 10,38 nghìn m3 sản phẩm này. NK gỗ dán dạng sơ chế từ Trung Quốc sẽ giảm các công đoạn gia công tại Việt Nam, mặt hàng này 100% được nhập từ Trung Quốc.

“Năm 2020, ngành gỗ vẫn giữ được nhịp độ hoạt động NK G&SPG như năm trước. Tuy nhiên, nhóm gỗ nguyên liệu thô vốn là các mặt hàng NK chính như gỗ tròn, gỗ xẻ tiếp tục xu hướng giảm. Trong khi nhóm mặt hàng ván các loại vẫn tăng trưởng mạnh, đặc biệt là nhóm hàng bộ phận đồ gỗ, ghế ngồi tăng rất nhanh. Chúng chỉ ra các tín hiệu về rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với nhóm mặt hàng này được NK vào Việt Nam từ Trung Quốc”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trên thực tế, mặc dù Covid-19 lan rộng hầu khắp các nước trên thế giới với nhiều làn sóng dịch tiếp diễn song năm qua, các mặt hàng G&SPG thuộc trong nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam đã thể hiện hiệu suất và mức tăng trưởng cao. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ Việt Nam lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng rất cao. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, bối cảnh XK sản phẩm gỗ sang Mỹ theo đà tăng lên, trong khi NK G&SPG từ Trung Quốc cũng tăng với tốc độ “chóng mặt” đã và đang đặt XK gỗ Việt trước nhiều rủi ro, nguy cơ phải đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Đảm bảo nhập gỗ hợp pháp

Nhóm nghiên cứu đánh giá, rủi ro trong lẩn tránh xuất xứ đối với một số nhóm mặt hàng NK từ Trung Quốc là rất hiện hữu. Rủi ro này hiện đang đem lại những tác động tiêu cực tới hình ảnh và uy tín của ngành trên trường quốc tế. Kiến nghị đặt ra là các cơ quan quản lý, cộng đồng DN hợp tác với các đối tác tiếp tục theo sát tình hình và cần đưa ra các biện pháp khả thi, hiệu quả hơn nhằm phát hiện, loại trừ các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ ngay từ địa điểm sản xuất kinh doanh của DN cho đến các cơ quan chức năng địa phương trong suốt chuỗi cung ứng G&SPG của ngành gỗ.

"Các hiệp hội địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các DN có dấu hiệu gian lận, phối hợp giữa các địa phương với hiệp hội Trung ương để định hướng, đưa ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khả thi”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Xung quanh câu chuyện chế biến, XK gỗ, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, năm 2021, ngành hàng này vẫn đặt mục tiêu XK trên 14 tỷ USD. Đây là mục tiêu khả thi, nhưng phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu. Theo đó, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước cần đẩy nhanh nâng cao chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Vấn đề NK gỗ nguyên liệu cần phải tuân thủ rất nghiêm ngặt và kiểm soát rất chặt chẽ để đảm bảo nguồn gốc hợp pháp. Về phía DN phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn, thiết lập các chương trình thị trường số để kết nối với thế giới và kết nối ngay các DN trong nước với nhau; tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị theo dõi cả chuỗi, chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp.

Riêng về nguồn gỗ được NK từ các nước nhiệt đới, để hạn chế những rủi ro, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần yêu cầu tất cả quốc gia nhiệt đới cung cấp gỗ cho Việt Nam phải có đủ thông tin cơ bản về cơ chế, chính sách khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loại gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng, thương mại hóa tại quốc gia này. Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp của Việt Nam cần phối hợp cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp tại những nước là nguồn cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam tại châu Phi, đưa ra danh sách loại gỗ NK và đặc điểm nhận dạng của từng loài. Danh sách đó cần được phổ cập trong hệ thống các nhà quản lý, làng nghề và những nhà NK.

PV (t/h).