Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 20/11, đã giải trình về dự án đường sắt tốc độ cao, nhấn mạnh rằng, dự án này mang lại 7 lợi ích lớn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, về hiệu quả tài chính, ông thẳng thắn thừa nhận rằng, trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ đủ để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì phương tiện.
Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước cần hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, giống như cách đang được áp dụng cho hệ thống đường sắt hiện nay để bảo trì kết cấu hạ tầng. Theo tính toán, thời gian hoàn vốn tối đa của dự án lên tới 33,61 năm. Ông cũng cho biết, trong báo cáo nghiên cứu khả thi, các chỉ tiêu về phương án tài chính sẽ được tiếp tục nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng hơn, dựa trên các phương án đầu tư, khai thác và điều kiện thực tế khi đưa dự án vào vận hành.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư dự án sẽ được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, kéo dài 12 năm và hoàn thành vào năm 2035. Bình quân mỗi năm, dự án cần khoảng 56 tỷ USD. Về nguồn vốn vay, ông cho biết, dự kiến vay tối đa 30% tổng vốn và hiện chưa quyết định sẽ vay trong nước hay vay ODA. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của từng hình thức vay. Nếu vay ODA với lãi suất thấp và không ràng buộc các điều kiện, đây sẽ là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu ODA có điều kiện ràng buộc, ưu tiên sẽ nghiêng về các khoản vay trong nước.
Ông cũng đề cập đến một cấu phần quan trọng của dự án là tín dụng hỗ trợ xuất khẩu từ nước ngoài, dành cho phần đầu máy toa xe và hệ thống thông tin tín hiệu. Cấu phần này chiếm khoảng 24% tổng vốn dự án và sẽ được giao cho doanh nghiệp thực hiện vay. Theo ông, phần này thường có lãi suất rất thấp và không bị ràng buộc nhiều điều kiện, giúp giảm gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, với các dự án quy mô lớn như thế này, hai khâu bắt buộc phải thuê tư vấn nước ngoài là quản lý dự án và giám sát, vì đây là các yếu tố quyết định đến việc dự án có đảm bảo tiến độ hay không, cũng như tránh tình trạng đội vốn.
Liên quan đến hình thức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ 27 dự án đường sắt tốc độ cao theo phương thức hợp tác công tư (PPP). Ông cho biết, hình thức PPP trong lĩnh vực này không khả thi. Nhiều quốc gia đã đầu tư theo phương thức này nhưng không thành công, phải quốc hữu hóa hoặc tăng mức hỗ trợ của Nhà nước lên rất cao. Thực tế khảo sát cho thấy, các dự án PPP trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao đều kết thúc bằng việc Nhà nước phải mua lại và tự vận hành, vì chi phí quá lớn khiến tư nhân không thể đảm đương. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, tất cả các yếu tố trên đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, và Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và quản lý dự án này để đảm bảo hiệu quả và bền vững lâu dài.