Đánh thuế bất động sản với người sở hữu nhiều nhà, đất phải theo luật

21:32 09/02/2023

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, đánh thuế bất động sản với người sở hữu nhiều nhà, đất phải “theo luật định” chứ không phải “theo quy định”.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đề xuất hai phương án tăng nguồn thu từ bất động sản, bao gồm đánh thuế nhà đất không trực tiếp ở và tăng các khoản thuế, lệ phí liên quan đến bất động sản thứ hai trở lên. Việc này sẽ tạo ra nguồn thu ổn định đối với chính quyền, đồng thời sẽ giúp ngăn chặn đầu cơ.

Trước động thái này, nhiều ý kiến cho rằng, việc có đánh thuế hay không đều phải theo luật và sẽ là vi hiến khi áp dụng bởi chưa có luật.

Ảnh minh họa
TP Hồ Chí Minh đề xuất tăng các khoản thuế, lệ phí liên quan đến bất động sản thứ hai trở lên. 

Nhà đất rất nhiều mà không đưa vào sản xuất kinh doanh hay sử dụng thì phải chấp nhận một mức thuế suất cao hơn, thậm chí gấp đôi gấp ba mức khởi điểm mới tạo ra sự công bằng xã hội và hướng tới sử dụng hiệu quả hợp lý nguồn tài nguyên đất đai nhà cửa. Nhưng cần phải sửa luật, phải có quy định của Quốc hội, quy định rõ ràng đánh thuế như thế nào, đánh thuế bao nhiêu cho hợp lý, công bằng.

Bên cạnh đó, việc tính thuế suất cao với giao dịch bất động sản sở hữu ngắn hạn cần đưa vào Luật Thuế tài sản thay vì Luật Thuế thu nhập cá nhân. Lý do là thuế thu nhập cá nhân khuyến khích nộp thuế khi có thu nhập, càng có nhiều thu nhập thì nghĩa vụ nộp thuế càng tăng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu của thuế tài sản là hạn chế đầu cơ.

Việc xây dựng Luật Thuế tài sản đã đặt ra đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thực hiện, bởi vậy, cần tiếp tục xem xét hoàn thiện sắc thuế này.

Đồng tình với quan điểm  này, chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, đánh thuế bất động sản với người sở hữu nhiều nhà, đất phải “theo luật định” chứ không phải “theo quy định”.

Theo ông Đỉnh, hiện đề xuất trên của TP Hồ Chí Minh đang gây tranh cãi. Vì Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để chống đầu cơ đang là vấn đề quyền hạn “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”.

Và hơn nữa, Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định, Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.

Ảnh minh họa
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, , cần phải đánh thuế bất động sản với người sở hữu nhiều nhà, đất để đảm bảo sự công bằng và chống đầu cơ. 

“Nghĩa là, nếu Quốc hội thông qua một Nghị quyết quy định chính sách đặc thù của TP Hồ Chí Minh, bao gồm chính sách thuế bất động sản, là đúng nhiệm vụ, quyền hạn được hiến định của mình và phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Đỉnh nói.

Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, điều cần nhấn mạnh là tại Điều 47 Hiến pháp năm 2013  Chương II quy định về Quyền con người (quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) lại quy định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”, lưu ý là “theo luật định” chứ không phải “theo quy định”.

Điều đó có nghĩa rằng nếu tôi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài làm ăn, sinh sống, có thu nhập tại Việt Nam, tôi chỉ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế đã được quy định trong luật. Theo phương thức loại trừ, tôi không phải nộp các khoản thuế không quy định trong luật, kể cả nếu trong Nghị quyết của Quốc hội ban hành các chính sách đặc thù cho một địa phương. Quy định này theo tôi là hoàn toàn hợp lý nhằm bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

“Theo tôi, việc đánh thuế nhà, đất là giải pháp bắt buộc phải làm, đã quy định rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, nhưng phải theo luật, và phải đồng bộ. Nếu một người sở hữu 10 căn nhà ở Quận 1 phải chịu thuế hàng năm, trong khi một đại gia khác cũng sở hữu 10 căn nhà ở phố cổ Hà Nội không phải chịu thuế thì sự công bằng nằm ở đâu?”, ông Đỉnh đặt câu hỏi.

Ông Đỉnh chia sẻ, mặc dù tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta đã liệt kê như sau: Khoản 1 là Hiến pháp; khoản 2 là Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội. Điều này dẫn đến cách hiểu cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực ngang luật (cả 2 văn bản này đều do cùng một cơ quan ban hành với trình tự, thủ tục gần tương tự).

Nhưng trong những vấn đề hệ trọng như chính sách thuế, chính sách hình sự... thì bắt buộc phải quy định trong luật để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất áp dụng, tránh gây bất bình đẳng, thiếu công bằng giữa mọi người, giữa các địa phương.

Đánh thuế bất động sản với người sở hữu nhiều nhà, đất cũng phải quy định trong luật để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất và đảm bảo công bằng. 

Hoài Anh