Đại dịch, chiến tranh thương mại đẩy Việt Nam vươn lên thành công xưởng thế giới

07:35 11/12/2020

Trang Financial Review cho hay, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy Việt Nam từng bước thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát rất tốt đại dịch, điều này càng làm tăng thêm sức hút đối với các doanh nghiệp đang tìm cách dịch chuyển chuỗi sản xuất.

Ảnh minh họa

Việt Nam từng bước thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới.

Sự dịch chuyển sang Việt Nam bắt đầu từ vài năm trước khi giá nhân công Trung Quốc bắt đầu tăng. Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Viện Nomura nhận xét xu hướng này đã gia tăng rõ rệt bởi tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những biến động của kinh tế toàn cầu thời gian qua.

Ông Subbaraman nói: "Đó là sự chuyển dịch cơ cấu mà chúng tôi tin rằng sẽ còn tiếp tục. Trong những năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến dòng vốn đầu tư nội Á chuyển dịch từ Bắc Á sang Nam Á lớn hơn nữa".

"Đáng chú ý, tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, dân số đang già đi, quỹ hưu trí ngày càng lớn và chi phí tiền lương cũng tăng lên, do vậy các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn", ông lý giải thêm.

Đánh giá của ông được đưa ra trong bối cảnh khi chính phủ Việt Nam cho biết, Pegatron- công ty sản xuất thiết bị của Đài Loan cho các đại gia công nghệ bao gồm Microsoft, Apple và Sony, đã xác nhận kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD (1,3 tỷ USD) để xây dựng một khu liên hợp sản xuất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ gần thành phố Hải Phòng, phía Bắc của Việt Nam.

Pegatron sẽ cùng hai nhà sản xuất điện thoại iPhone khác là Wistron và Hon Hai Precision Industry mở rộng hoạt động tại Việt Nam. 

Theo kế hoạch gồm 3 giai đoạn mà Pegatron công bố, tập đoàn sẽ chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Foxconn cũng đã chuyển hàng loạt hoạt động sản xuất Apple sang Việt Nam. Tháng trước, Reuters đưa tin Foxconn sẽ mở rộng nhà máy tại tỉnh Bắc Giang để đáp ứng các dây chuyền lắp ráp mới. Công ty đã đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc trong nhiều năm.

Các nhà quan sát thị trường cho biết các quyết định đầu tư gần đây cho thấy những cách tiếp cận khác nhau mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đã áp dụng để thu hút các công ty đa quốc gia.

Các doanh nghiệp đa quốc gia cũng quan tâm đến sự khác biệt trong công cuộc ứng phó với dịch bệnh tại mỗi nước. Các chuyên gia kinh tế tại viện Nomura khẳng định, các nước châu Á đã làm tốt hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 so với các nước châu Âu. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn nữa khi được đánh giá là ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.

Mặc dù Indonesia cũng là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, họ có thể sớm tiêm phòng vaccine COVID-19 do Trung Quốc phát triển, song việc "đất nước vạn đảo" có hàng nghìn ca mắc bệnh mới mỗi ngày đang khiến quá trình phục hồi của nước này xếp sau Việt Nam, vốn được các chuyên gia đánh giá là ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19. 

Ông Rob Subbaraman kết luận, triển vọng phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc nhưng châu Á đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng toàn cầu vào năm tới. "Châu Á đang ở vị trí dẫn đầu trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư lớn nhất vào năm tới. Một khi dịch bệnh Covid-19 suy giảm, đầu tư sẽ gia tăng".

Bảo Bảo