Cộng hoà Síp và Hungary phản đối đề xuất giới hạn giá dầu trong lệnh trừng phạt Nga

15:29 27/09/2022

Ủy ban châu Âu đã họp với các quốc gia thành viên vào cuối tuần qua để cố gắng tìm ra thỏa hiệp đối với gói trừng phạt Nga.

Ảnh minh họa

EU chưa thống nhất trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga.

Hãng Bloomberg thông tin, ngày 26/9, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đấu tranh để đạt được thỏa thuận về việc áp trần giá dầu của Nga, cũng như thông qua gói trừng phạt rộng lớn hơn đối với Moskva.

Cộng hoà Síp và Hungary là những quốc gia phản đối đề xuất giới hạn giá dầu. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của EU đòi hỏi phải nhận được sự nhất trí từ tất cả các thành viên EU bởi mỗi quốc gia đều có quyền phủ quyết.

Ủy ban châu Âu đã họp với các quốc gia thành viên vào cuối tuần qua để cố gắng tìm ra thỏa hiệp đối với gói trừng phạt Nga. Nhiều thông tin chi tiết được cho là vẫn cần phải được EU hoàn thiện, bao gồm cả mức giá mà các nước sẽ đặt giới hạn.

Bloomberg cho biết thêm, việc EU thúc đẩy áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga sẽ gắn kết khối với nỗ lực của Mỹ nhằm giữ giá dầu thô không tăng cao và đánh vào doanh thu của Moskva từ việc bán năng lượng.

Đầu tháng 9, các Bộ trưởng Tài chính của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga. Các bộ trưởng cho biết, mức trần ban đầu sẽ dựa trên các yếu tố kỹ thuật và mức giá này sẽ được điều chỉnh lại khi cần thiết.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cũng nói rằng liên minh này đã đưa ra quyết định "chính trị" về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt theo lĩnh vực và cá nhân mới đối với Nga.

Tuy không nêu chi tiết về các lệnh trừng phạt mới đối với Moskva nhưng ông Josep Borrell nhấn mạnh đòn trừng phạt mới này sẽ giáng mạnh vào nền kinh tế Nga, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. EU cũng sẽ liệt vào danh sách đen một số cá nhân của Nga.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tỏ ra lạc quan khi cho biết, dù lượng khí đốt từ Nga chảy sang thị trường châu Âu giảm sút thời gian qua song điều này không phải vấn đề lớn đối với Moskva vì Nga sẽ chuyển nguồn cung sang các thị trường khác trên thế giới.

P.V