Công cụ chatbot Bard sẽ đến tay những người dùng tại Mỹ và Anh

23:08 21/03/2023

Tuy công nghệ tiềm năng này vẫn đang đứng trước nhiều chỉ trích, chatbot AI vẫn chứng tỏ được khả năng và cho thấy nó có thể trở thành công cụ hữu ích.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 21/3, Google – công ty con của Tập đoàn Alphabet – đã bắt đầu ra mắt công cụ trò chuyện (chatbot) Bard tại hai thị trường Anh và Mỹ.

Theo đó, những người dùng tại hai nước này có thể tham gia vào danh sách chờ được truy cập vào Bard. Trước đây, chỉ những người dùng thử được cấp phép mới được truy cập vào chương trình.

Trả lời phỏng vấn, quản lý tại Google khẳng định Bard sẽ sớm đến tay những người dùng và địa phương khác trong thời gian tới.

Đây là nỗ lực công khai đầu tiên của Google nhằm chứng minh cho công chúng thấy, họ hoàn toàn có năng lực thực hiện những chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo. 

Tuy công nghệ tiềm năng này vẫn đang đứng trước nhiều chỉ trích, liên quan tới tính chính xác lẫn xu hướng cự cãi người dùng, chatbot AI vẫn chứng tỏ được khả năng và cho thấy nó có thể trở thành công cụ hữu ích.

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai cho biết trong một tweet rằng động thái này là một "thử nghiệm ban đầu" cho phép mọi người cộng tác với trí tuệ nhân tạo (AI).

Phó chủ tịch Google Sissie Hsiao và Eli Collins cho biết trong một bài đăng trên blog: "Cho đến nay, chúng tôi đã học được rất nhiều điều bằng cách thử nghiệm Bard và bước quan trọng tiếp theo để cải thiện nó là nhận phản hồi từ nhiều người hơn".

Google nhanh chóng ra mắt Bard cũng là để tái khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm vốn đang bị Microsoft đe dọa. Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft chưa tìm được chỗ đứng trong lòng người dùng Internet cho tới khi Microsoft tích hợp ChatGPT vào Bing: số người sử dụng công cụ tìm kiếm của Microsoft lập tức tăng vọt. Dù chưa bị vượt mặt, nhưng chắc chắn Google không thể án binh bất động.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, Google vừa được và vừa mất khi tận dụng công nghệ AI. Một mặt, trí tuệ nhân tạo sẽ ngay lập tức cải thiện một loạt các sản phẩm của Google như công cụ tìm kiếm hay thuật toán gợi ý. Mặt khác, AI sẽ giúp các công ty công nghệ khác tiếp cận mảng kinh doanh công cụ tìm kiếm của Google.

Xét tới thời điểm hiện tại, Bard sẽ ngay lập tức đưa công cụ tìm kiếm Google lên tầm cao mới. Thay vì lướt qua một loạt những kết quả tìm kiếm, người dùng có thể tận dụng Bard để chắt lọc thông tin một cách hiệu quả (tuy thông tin chưa tuyệt đối chính xác).

Ngay sau khi OpenAI, một công ty khởi nghiệp tạo nên cơn sốt toàn cầu với chatbot ChatGPT (được Microsoft hỗ trợ khoảng 10 tỷ USD), Google lập tức có hành động thể hiện không tụt hậu khi giới thiệu Bard với những tính năng tương tự vào ngày 7/2 vừa qua.

Trong một video quảng cáo do Google đăng trên Twitter một ngày sau đó, Bard được hỏi nên nói thế nào với một đứa trẻ 9 tuổi về những khám phá của kính viễn vọng không gian James Webb. Bard trả lời nên mô tả rằng: "Đây là kính viễn vọng đầu tiên ghi lại hình ảnh một hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời của Trái Đất". Tuy nhiên, nhiều người theo dõi đoạn quảng cáo này đã ngay lập tức phản hồi rằng đây là một câu trả lời sai, do Kính viễn vọng cực lớn của châu Âu mới là công cụ làm được điều này đầu tiên. "Lỗ hổng kiến thức" của Bard đã khiến công ty mẹ của Google mất 100 tỷ USD giá trị thị trường.

Thu Trà (t/h)