Baker McKenzie Vietnam thuộc hãng luật nổi tiếng Baker & Mckenzie – "đế chế" lớn mạnh trong ngành dịch vụ pháp lý trên toàn cầu. Ông Fred Burke đã sống tại Việt Nam 35 năm. Sau khi tốt nghiệp Stanford vào năm 1981, ông đến Trung Quốc và làm việc tại đây khoảng 2 năm. Năm 1984, ông quay về Mỹ và học tiếp tại trường Luật Columbia. 10 năm sau, khi ông đã làm rất tốt trong việc xây dựng văn phòng của Baker McKenzie tại Trung Quốc, ông đã thành lập văn phòng tại Việt Nam và gắn bó tới tháng 7/2021. Sau đó, ông nghỉ hưu và chuyển sang vị trí Cố vấn cấp cao, với cương vị đó ông tiếp tục tham gia vào các công việc chính sách và phát triển cho cả các văn phòng Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.
Điểm sáng đầu tư vào các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch
Mới đây, theo tờ The Australia Financial Review (ARF), nhật báo kinh tế hàng đầu ở Australia và các chuyên gia kinh tế nước ngoài cho rằng, Việt Nam sẽ phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 và tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài.
Tờ báo trên nhận định, mặc dù, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đang được áp dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại của Việt Nam và số các ca nhiễm biến thể Delta tăng cao đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất, câu chuyện toàn cảnh về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ vẫn không thay đổi.
Với những đột phá vượt bậc trong thu hút FDI, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới thu hút FDI của Việt Nam, song điểm tích cực trong bức tranh thu hút FDI là vốn FDI thực hiện vào Việt Nam tăng 3,8% so với cùng kỳ 2020, với mức 10,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI tiếp tục phục hồi và duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Fred Burke nhận định: “Đại dịch Covid-19 chắc chắn đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, gây ra những bất ổn lớn ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Ở Việt Nam, có hai loại hình đầu tư nước ngoài chủ yếu. Thứ nhất là đầu tư nước ngoài gián tiếp vào thị trường chứng khoán hoặc thông qua M&A, và thứ hai là đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt đối với ‘lĩnh vực xanh’ với các dự án mới huy động được lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như trong lĩnh vực sản xuất, khách sạn, giải trí, cơ sở hạ tầng, công nghệ và các dịch vụ như y học, giáo dục,… Ở khu vực nước ngoài, có vẻ như vần còn nhiều nguồn vốn dồi dào trong nền kinh tế toàn cầu để duy trì sự quan tấm đến một thị trường mới đầy hứa hẹn như Việt Nam”.
Ông cho biết thêm, thực tế là chúng ta vẫn đang chứng kiến nhiều thương vụ mới, trong đó các nhà đầu tư đóng góp vốn để đặt cược vào tương lai của các công ty niêm nết hoặc những doanh nghiệp tư nhân trong nước. Mặt khác, các giao dịch về phía đầu tư trực tiếp có xu hướng chậm hơn trong thời gian gần đây. Nhưng may mắn thay, tại các nền kinh tế lớn, nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm đến Việt Nam và do đó vẫn có nguồn vốn chảy vào thay thế vốn đã bị thiệt hại trong thời kỳ Covid. Nhìn chung, đại dịch tuy tồn tại những xu hướng tiêu cực những cũng có nhiều điểm sáng.
Đối với Việt Nam, ông Fred nhận định rằng: “Điều quan trọng hơn cần được chú ý chính là vấn đề về tính bền vững, là làm thế nào để ngày càng tạo ra một môi trường thu hút đầu tư dài hạn và làm thế nào để trong khi các doanh nghiệp sử dụng hàng triệu lao động nhưng vẫn tôn trọng môi trường làm việc và giá trị người lao động. Đây là một nhiệm vụ không hề nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp”.
Lực lượng lao động là lợi thế của doanh nghiệp Việt
Trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu chuyển hướng, di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc - một phần do tác động từ xung đột thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Fred, điều đó không phải là một chính sách đầu tư / phát triển bền vững, vì cuối cùng hai bên rất có thể sẽ chấm dứt chiến tranh thương mại. Ông cho rằng: “Theo thời gian, ‘yếu tố thúc đẩy từ Trung Quốc’ sẽ không còn quan trọng bằng ‘yếu tố từ Việt Nam kéo về’ trong việc kích thích sự dịch chuyển dòng vốn này từ Trung Quốc sang Việt Nam”.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến ưa thích của giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, để tránh “đòn giáng mạnh” của dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi phải khẩn trương nắm bắt tình hình để có giải pháp thu hút và giữ vững dòng vốn đầu tư FDI. Ông Fred đánh giá: “Chính sách phòng chống Covid của Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nếu Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, người dân ủng hộ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch và cả nước có thể áp dụng một hệ thống thẻ tiêm chủng đáng tin cậy và toàn diện, thì các doanh nghiệp và người lao động có thể an tâm sản xuất kinh doanh, lúc này các nhà đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại dự án của họ trước đó. Mặt khác, nếu chúng ta không thể vượt qua những trở ngại, bao gồm cả vấn đề hậu cần và chuỗi cung ứng đang là vấn đề hàng đầu của các thị trường xuất khẩu hiện nay, thì niềm tin vào toàn bộ quá trình gia công sẽ giảm đi và các thị trường xuất khẩu sẽ tìm cách khác để đáp ứng nhu cầu của họ, có thể là sử dụng người máy hoặc các nền kinh tế xuất khẩu khác”.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia, lợi thế của các doanh nghiệpViệt Nam vẫn đáng chú ý so với các đối thủ cạnh tranh. Theo ông Fred, doanh nghiệp Việt Nam được may mắn sở hữu một lực lượng lao động đông đảo, trẻ trung và chăm chỉ, một lực lượng lao động có trình độ cao và năng động.
“Việt Nam có nhiều cơ sở giáo dục đang mọc lên nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường. Việt Nam được biết đến với sự cởi mở và ổn định. Cách thức mà Chính phủ tham vấn với tất cả các bên liên quan khi hoạch định chính sách và đề ra luật mới là thực sự ấn tượng, và nó đã nhiều lần giúp tránh được những sai lầm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong nhiều năm. Mặt khác, việc doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một cố gắng trong xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, nhất là bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng là tín hiệu hội nhập rất tích cực”, ông Fred nhận định.
Doanh nghiệp không nên thụ động trước những chính sách kiến tạo của chính phủ
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius trước đây đã đặt tiêu đề cho cuốn hồi ký về quan hệ Việt - Mỹ là "Không gì là không thể". Trong quan hệ đối tác giữa các Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Fred đánh giá: “Cá nhân tôi rất phấn khích khi nghe phía Hoa Kỳ bắt đầu nói về việc quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ("TPP"), nay được gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ("CPTPP"). Đây là một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, thỏa thuận đã tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp các nước, hình thành một khối thương mại mới có thể cân bằng các đối thủ nặng ký khác về thương mại toàn cầu. Các đơn đăng ký tham gia từ Hàn Quốc, Đài Loan và thậm chí cả Vương quốc Anh cho thấy đây là thỏa thuận thương mại thế hệ mới tốt nhất để các thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung”.
Trong thời gian tới, ông Fred nhận xét rằng: “Khuyến khích các tập đoàn đầu tư ra nước ngoài là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất, từ đó góp phần tạo chuỗi cung ứng trong - ngoài nước liền mạch và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài với tâm thế bình đẳng. Chính sách dành cho doanh nghiệp sắp tới đây phải là chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn, thay vì dàn đều hoặc ưu ái doanh nghiệp FDI”.
Ngoài ra, theo ông, việc tạo mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp kinh doanh với chính phủ là rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của một đất nước. “Cá nhân tôi thấy rẳng trong bối cảnh hậu đại dịch, để có thể nhanh chóng phục hồi, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải chủ động cơ cấu lại chiến lược kinh doanh của mình. Đặc biệt, không thụ động trước những chính sách kiến tạo của chính phủ. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể tác động chính sách đó đến đâu, cần làm như thế nào để chính phủ biết và cùng song hành. Và nếu doanh nghiệp không chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao quản trị doanh nghiệp cũng như trình độ chuyên môn cho người lao động thì sẽ đánh mất cơ hội phát triển bền vững, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng mới trong tương lai”, ông Fred nhận định.
Việt Nam có thể chuẩn bị con đường cho tương lai của chính mình bằng cách vượt qua đại dịch, và điều đó có nghĩa trước hết là đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng để toàn người lao động có thể an tâm đi làm và doanh nghiệp vững tin sản xuất kinh doanh. “Việt Nam luôn coi an toàn người dân và an ninh quốc gia là một trong những điểm thu hút các nhà đầu tư và điều này đã thành công đáng kể trong những năm qua. Có thể nói ở thời điểm hiện tại, tiến trình tiêm chủng chính là đảm bảo tương lai cho đất nước”, ông Fred chia sẻ.
Ông Fred Burke - Cố vấn cấp cao của Công ty luật Baker McKenzie Việt Nam:
"Dòng vốn FDI vào Việt Nam không tránh được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch. Các nhà đầu tư cũng ghi nhận Việt Nam có chủ trương nhất quán trong ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài, luôn coi đầu tư nước ngoài là một cấu thành quan trọng của nền kinh tế để phát triển. Tất cả đang góp phần tạo nên “cơ hội vàng” cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc".
Bảo Trinh