Bài liên quan |
Nghị quyết số 68-NQ/TW: Sẽ có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Sắp có chính sách đặc biệt về đất đai, lãi suất để thúc đẩy kinh tế tư nhân |
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Theo đó, các cơ chế, chính sách đặc biệt được xem như "không gian pháp lý đặc biệt", tạo động lực và điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật.
Các đại biểu nhấn mạnh, việc tạo ra cơ chế linh hoạt và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết để hệ thống pháp luật Việt Nam tiệm cận hơn với thực tiễn, bắt kịp xu thế phát triển, đồng thời tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật.
![]() |
Cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng - thi hành pháp luật: Chống “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” |
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp là việc xác định đối tượng thụ hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Nhiều đại biểu cho rằng, cần rà soát đầy đủ và chặt chẽ trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đúng các nhóm đối tượng, vai trò, nhiệm vụ của họ, từ đó đảm bảo việc thụ hưởng chính sách được triển khai công bằng, phù hợp với thực tiễn công tác lập pháp hiện nay.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách, bao gồm cả cán bộ, công chức đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân cũng như tổng hợp, theo dõi và phản ánh những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật tại địa phương. Những lực lượng này được đánh giá là có vai trò thiết yếu trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật thông qua phản ánh thực tiễn.
Một vấn đề được đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) đặc biệt nhấn mạnh là yêu cầu kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Bà đề nghị cần thể chế hóa mạnh mẽ các quy định của Đảng về phòng, chống “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, cũng như thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong quá trình lập pháp.
Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là lực lượng cần được khích lệ, tạo điều kiện phát huy vai trò trong công tác lập pháp, thay vì bị ràng buộc bởi tâm lý sợ trách nhiệm.
Vấn đề tài chính phục vụ công tác lập pháp cũng nhận được sự quan tâm. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về cơ chế khoán chi cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông, hiện nay cán bộ trực tiếp xây dựng pháp luật vừa được hỗ trợ chế độ hàng tháng bằng 100% lương, vừa được hưởng thêm khoán chi với mức có thể lên đến 20 tỷ đồng cho một bộ luật, trong khi thực tế thời gian xây dựng luật hiện nay chủ yếu chỉ kéo dài qua một kỳ họp, không còn quá dài như trước đây.
Ông cho rằng cơ chế khoán chi như vậy là chưa hợp lý và cần được cân nhắc lại, tránh gây lãng phí ngân sách và đảm bảo tính minh bạch trong sử dụng nguồn lực phục vụ công tác lập pháp.
Một ý kiến đáng chú ý khác được đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đưa ra là cần thiết lập cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với những người có vai trò quyết định hoặc trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật. Ông cho rằng, trong bối cảnh công tác lập pháp có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm hành chính, và thậm chí là trách nhiệm lịch sử.
Mục tiêu tối thượng của mọi hoạt động lập pháp – theo đại biểu – phải là xây dựng được một hệ thống pháp luật khoa học, thực tiễn, khả thi, phản ánh đúng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.