![]() |
Ngân sách nhà nước sẽ bố trí một khoản chi tối thiểu tương đương 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, con số này tương đương khoảng 12.500 tỉ đồng mỗi năm |
Sáng 15-5, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả thể chế, hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật
Một trong những nội dung quan trọng nhất của dự thảo là đề xuất cơ chế tài chính đặc biệt, nhằm bảo đảm nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ bố trí một khoản chi tối thiểu tương đương 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật. Con số này tương đương khoảng 12.500 tỉ đồng mỗi năm – mức kinh phí được đánh giá là cần thiết để khắc phục tình trạng thiếu hụt kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng chính sách và tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, kinh phí dành cho hoạt động xây dựng pháp luật, nhất là ở các khâu nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, còn thấp và chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời. Điều này khiến không ít dự án luật, pháp lệnh còn chậm trễ, thiếu tính thực tiễn, hoặc không theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất cơ chế khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng sản phẩm công việc, giúp nâng cao tính chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong sử dụng ngân sách. Đặc biệt, dự kiến thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật - một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được cấp vốn điều lệ từ chính nguồn 0,5% nêu trên, đồng thời có thể huy động thêm từ các nguồn hợp pháp khác. Quỹ này sẽ tạo kênh tài chính bền vững và chủ động cho hoạt động xây dựng pháp luật.
Bảo đảm và thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác pháp luật
Một nội dung quan trọng khác của dự thảo nghị quyết liên quan đến chính sách đối với nguồn nhân lực làm công tác pháp luật. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, dự thảo đề xuất hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương hệ số hiện hưởng (chưa bao gồm phụ cấp) đối với người trực tiếp, thường xuyên tham mưu chiến lược, chính sách và xây dựng pháp luật tại các cơ quan, đơn vị được xác định cụ thể.
Đối tượng áp dụng bao gồm đại biểu Quốc hội chuyên trách; cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang có nhiệm vụ xây dựng pháp luật, pháp chế; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải quyết tranh chấp quốc tế; nghiên cứu viên pháp lý ở trung ương và địa phương. Đáng lưu ý, quy định này không áp dụng với cán bộ giữ chức vụ từ Thứ trưởng trở lên, bảo đảm tính hợp lý và đúng đối tượng.
Dự kiến, tổng mức chi hỗ trợ hằng tháng là khoảng 216,4 tỉ đồng/năm, được đánh giá là không gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước. Ngoài ra, để tạo động lực và khuyến khích cán bộ tham gia sâu vào công tác pháp luật, dự thảo cũng đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với thu nhập từ hoạt động xây dựng pháp luật theo quy định của nghị quyết.
Không chỉ dừng lại ở chính sách đãi ngộ, dự thảo còn đưa ra nhiều cơ chế thu hút, tuyển dụng, trọng dụng đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao từ các cơ sở đào tạo chuyên sâu; xây dựng cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ, cho phép các cơ quan nhà nước tự chủ trong lựa chọn hình thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực pháp luật
Bên cạnh nguồn lực tài chính và con người, dự thảo nghị quyết xác định chuyển đổi số là một trụ cột quan trọng để tạo bước ngoặt trong tổ chức xây dựng và thi hành pháp luật. Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) về pháp luật, phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá, soạn thảo và theo dõi thi hành pháp luật.
Đặc biệt, lần đầu tiên có đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển trợ lý ảo chuyên biệt cho công tác pháp luật – một bước tiến có thể nâng cao năng suất, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động lập pháp và hành pháp. Việc khai thác AI dựa trên nền tảng dữ liệu lớn sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và gia tăng độ chính xác trong xây dựng chính sách.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với các nội dung dự thảo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ thu nhập cho cán bộ trực tiếp làm công tác pháp luật.
Dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại tổ trong chiều 15-5, thảo luận toàn thể vào sáng 16-5, và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào sáng 17-5.