Chuyên gia lý giải vì sao kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp

14:34 05/04/2023

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khẳng định, tình hình thực tế quý I diễn biến xấu hơn dự báo. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của TPHCM trong quý I chỉ 0,7% là điều bất ngờ.

Về nguyên nhân khách quan, ông Lịch cho rằng, thật không may khi nền kinh tế TPHCM gặp phải hai tác động lớn, gồm bên ngoài chịu biến động của thị trường tài chính thế giới, còn trong nước trải qua việc chấn chỉnh lại thị trường bất động sản, tài chính. “Hai yếu tố này cộng hưởng và làm cho TPHCM cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, TPHCM lại là địa bàn chịu tác động 2 yếu tố này mạnh nhất cả nước”, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh và cho biết, vào quý IV/2022 ông đã có dự báo và trao đổi những điều này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Lịch cũng bày tỏ sự không hài lòng khi giải ngân đầu tư công quý I chỉ đạt 2% so với kế hoạch. “Mới đây, gặp 40 doanh nghiệp ngành xây dựng, họ nói với tôi, TPHCM không có gì để làm, mọi thứ đứng tại chỗ. Chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề này để tìm cách giải quyết”, ông Lịch nói.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tốc độ tăng trưởng cả nước quý I năm nay đạt 3,32% và nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thấp là do dư âm từ những khó khăn trước đây. Cụ thể, như chuỗi cung ứng toàn cầu bị khó khăn ngay từ những năm có đại dịch COVID-19 cho đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Gần nhất là từ năm 2022, thị trường tài chính toàn cầu đã gặp khủng hoảng và từ đó tác động đến Việt Nam.

Điều đó thể hiện qua việc thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh và gần cả năm qua, VN-Index vẫn loanh quanh ở ngưỡng 1.000 điểm, chưa thể tăng trở lại. Thị trường trái phiếu “đóng băng”, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng bị hạn chế. Thị trường bất động sản bất động “đứng hình” đã tác động đến hàng trăm ngành nghề kinh doanh khác. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã có độ mở lớn nên thị trường thế giới lao dốc thì ảnh hưởng ngay đến các doanh nghiệp trong nước, lượng đơn hàng giảm mạnh từ giữa năm 2022 kéo dài đến nay.

Theo ông Hiếu, trên thực tế, kinh tế TPHCM đi xuống dễ dàng nhìn thấy. Chuyên gia này dẫn chứng, cảng Cát Lái vốn chiếm 40% lượng hàng container cả nước nhưng thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến công suất cảng chỉ còn dưới 50%. Hàng loạt doanh nghiệp sa thải hàng ngàn lao động do thiếu đơn hàng. Lượng khách du lịch đến Việt Nam còn thấp, loạt mặt bằng ở trung tâm TPHCM vẫn treo bảng cho thuê.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, các doanh nghiệp đang cố cầm cự để đảm bảo hoạt động. Do đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời dòng vốn lưu động, chấp nhận cho họ tín chấp bằng vật tư, nguyên liệu.

Để thúc đẩy tăng trưởng, TS. Trần Du Lịch cho rằng TPHCM phải gỡ hấp thụ vốn, giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân và minh bạch điều này để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. “Khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta mới phát triển. Bối cảnh quý I này thuận lợi hơn quý I/2022 nên tình hình có thể khởi sắc hơn từ quý III. Do đó, TPHCM cần chuyển biến thật sự trong giải quyết những vấn đề tồn đọng nhiều năm và những vấn đề mới phát sinh”, ông Lịch nói.

Theo TS. Phạm Thị Thanh Xuân, Trường đại học Kinh tế - Luật TP HCM, kết quả tăng trưởng quý I của TPHCM đã được dự liệu từ trước nên không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, kết quả này khiến áp lực tăng trưởng dồn lên quý II và quý III/2023. Do đó, TPHCM phải chuẩn bị các kịch bản, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng các quý sau. Để thúc đẩy tăng trưởng năm nay, TPHCM đặt trọng tâm giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò là “vốn mồi” cho nền kinh tế vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích đầu tư. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả phía cung và cầu cũng là một giải pháp để khơi thông nguồn lực vốn.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn hy vọng có sự phục hồi trong 2 quý sắp tới. Việc cơ cấu lại nền kinh tế, kiến tạo môi trường phát triển là nhóm giải pháp dài hạn, phải có chiến lược lâu dài. Còn trước mắt, để kinh tế khôi phục trở lại thì tập trung thúc đẩy đầu tư công và nới lỏng chính sách tiền tệ.

T.H