Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính.
Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Chia sẻ với phóng viên về những nỗ lực của Việt Nam trên hành chuyển đổi hệ thống năng lượng, chuyển dịch năng lượng sạch, ông Stuart Livesey - Thành viên Ban điều hành và Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh EuroCham cho biết: "Tôi thấy được Việt Nam đang có một tinh thần thực sự tốt. Chúng ta đã ký kết Hiệp định Paris ở Việt Nam. Chúng ta đã có mục tiêu COP26 cho phát thải ròng bằng 0. Chúng ta hiện có Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Vì vậy, Việt Nam đang thể hiện một tinh thần nhất quán và nghiêm túc. Những gì chúng ta cần là thực hiện từ trên xuống, với sự hướng dẫn và chỉ đạo từ cấp cao nhất. Chính phủ cần hoạch định rõ ràng những gì cần phải thực hiện, đồng thời chỉ ra điều đó cần phải được thực hiện như thế nào. Từ phía EuroCham, chúng tôi mong muốn thấy được một số hướng dẫn thực sự mạnh mẽ, và thật tuyệt vời khi thấy thỏa thuận mua bán điện trực tiếp được thông qua nghị định vào tuần trước. Bây giờ chúng ta cần Luật Điện lực được thông qua. Chúng ta cần xem một số cơ chế cho dự án thí điểm điện gió ngoài khơi, cùng rất nhiều quy định khác nhau cần được kết hợp nhanh chóng".
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3-7-2024 (Nghị định 80) quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, truyền tải theo 2 lựa chọn: dùng lưới quốc gia hoặc lưới riêng. Theo ông Stuart Livesey, đây là một cột mốc tuyệt vời. "Thật vui khi thấy DPPA được thông qua. Điều này mang lại rất nhiều cơ hội, có thể chia chúng thành hai nhóm: đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Giờ đây chúng ta có thể đầu tư vào nhiều dự án sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo hơn để thực sự cung cấp năng lượng xanh trực tiếp cho người tiêu dùng. Qua đó, để họ có thể nhận được năng lượng xanh này mà không phải lo lắng về khả năng sẵn có từ lưới điện. Vì vậy, điều này thực sự tốt khi cơ chế này được thông qua. Ngoài ra, hãy nhìn vào đầu tư nước ngoài và đầu tư tài chính tại địa phương. Họ đang khao khát năng lượng xanh. Họ xây dựng những mục tiêu cụ thể cho công ty của họ là: Chúng ta phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030. Mục tiêu đề ra của họ rất quyết liệt. Và nếu chúng ta có thể cung cấp nguồn năng lượng xanh đó thông qua các hợp đồng mua bán điện trực tiếp thì đây là một cách tuyệt vời để tiếp cận các thị trường năng lượng này, và qua đó tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn nữa".
Cùng chia sẻ với phóng viên về thực trạng của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng, chuyển dịch năng lượng sạch, ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Dự án vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam nhận định: "Về chuyển đổi hệ thống năng lượng, Việt Nam vẫn đang nằm trong giai đoạn đầu, và đây sẽ là một cuộc hành trình dài nếu bạn nhìn vào đích đến. Dù vậy, Việt Nam cũng đang có những bước tiến đáng kể. Theo một nghiên cứu của PWC năm 2023 về chỉ số phát thải ròng bằng 0, Việt Nam đang nằm trong top 5 nền kinh tế dẫn đầu toàn khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Chỉ có Singapore và New Zealand là đang vượt lên dẫn đầu. Đồng thời, cũng có rất nhiều chính sách được thực hiện, ví dụ như các bạn có các chiến lược xanh, chiến lược về chuỗi cung ứng,... Và song hành với việc thực hiện các chính sách này là rất nhiều tiến bộ đạt được. Cụ thể, trong vòng 5 năm qua, mức độ thâm nhập của năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã tăng từ 500 megawatts lên 21 gigawatts, nằm trong top 10 quốc gia trên toàn cầu về công suất lắp đặt năng lượng tái tạo. Hiện tại, chúng ta đã có một lộ trình chuyển đổi năng lượng. Tôi dự đoán rằng, vẫn còn nhiều điểm thiếu sót, nhiều điều cần phải thực hiện, tuy nhiên chúng ta ít nhất đã có kế hoạch sẽ không xây dựng thêm các đường ống hay các công trình phục vụ năng lượng cũ. Cam kết NDC năm 2022 đã nói lên điều đó. Việt Nam đang hướng tới tương lai, dù còn rất nhiều điều phải làm và học hỏi từ các quốc gia khác thì cuộc hành trình này vẫn đang đi đúng hướng. Và theo tôi, ngay bây giờ chúng ra phải hành động để dịch chuyển từ chính sách sang triển khai thực tế".
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.
Cụ thể, con số Hiệp hội năng lượng đưa ra cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ US/năm), nhưng thực hiện ba năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ US/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ US/năm) là thách thức lớn.
Hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời và gió); vận hành khó khăn (thiếu nguồn linh hoạt, hệ thống lưu trữ năng lượng). Chúng ta còn thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Vướng mắc khi thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG. Thị trường điện chậm triển khai; giá điện chưa linh hoạt theo yếu tố đầu vào…
Trong khi đó, công nghệ - nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao…
Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo chưa được hoàn thiện. Cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu… chưa được ban hành. Các quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt, khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng… chưa có.
Đứng trước những thách thức này, ông Abhinav Goyal đề xuất: "Điều Việt Nam cần làm là học hỏi từ rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Nếu nhìn vào các nước phát triển như Thụy Điển, Đan Mạch, Vương quốc Anh, chúng ra nên bắt đầu nhìn vào khung chính sách và khung pháp lý của họ. Họ mua năng lượng tái tạo, họ thực sự tập trung vào việc xem xét an ninh năng lượng, họ xem xét việc cải thiện cường độ sử dụng năng lượng, họ xem xét việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và họ thực sự tạo ra khung pháp lý rất dễ dàng cho khu vực tư nhân thực hiện. Vì vậy, đó là những gì chúng ta cần nói đế và nên xem xét. Việc mua bán năng lượng tái tạo nên được thực hiện thông qua đấu giá cạnh tranh để có được mức giá hợp lý. Bạn cần phải có cơ chế thông quan một cửa, xác định được cơ quan nào sẽ cấp giấy phép, sau đó tuân thủ các mốc thời gian và chính sách, đồng thời yêu cầu cơ quan đó tư vấn nhiều hơn với khu vực tư nhân.
Về mặt tài chính, bạn cần thu hút nhiều nguồn tài chính xanh và tài chính khí hậu hơn nữa. Ngành ngân hàng trong nước trước đây đã làm được rất nhiều trong việc quan tâm đến năng lượng mặt trời và năng lượng xanh trên đất liền. Nhưng nếu muốn tiến tới năng lượng hydro hay các công nghệ mới, chỉ riêng khu vực ngân hàng trong nước sẽ không thể tạo ra động lực. Bạn cần tài chính xanh, bạn cần tài trợ khí hậu, bạn cần quỹ phát triển năng lượng mới. Bạn cũng có thể xem xét các quỹ đầu tư công về năng lượng tái tạo. Như Ả Rập Saudi, quỹ Chính phủ của họ đã đầu tư đến 70% mục tiêu về năng lượng tái tạo. Vậy nên câu hỏi cần đặt ra là Chính phủ đang nghĩ gì về điều này, làm thế nào để mang lại khả năng tiếp cận tài chính và cuối cùng là điều chỉnh quá trình chuyển đổi như tôi đã nói. Bạn cũng sẽ cần phải xem xét đến khía cạnh các công việc sẽ bị mất đi trong quá trình chuyển đổi, làm thế nào để không một ai bị bỏ lại phía sau. Và tôi nghĩ đây sẽ là những điều mà Chính phủ cần phải bắt đầu nghĩ đến".
Bảo Bảo