Thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 8,4%, tương ứng tăng 20,49 tỷ USD so với năm trước đó. Trong đó: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,36 tỷ USD, tương ứng tăng 21,5%; hàng dệt may tăng 2,37 tỷ USD, tương ứng tăng 7,8%; điện thoại các loại tăng 2,16 tỷ USD, tương ứng tăng 4,4%; giày dép các loại tăng 2,08 tỷ USD, tương ứng tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 1,94 tỷ USD, tương ứng tăng 11,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,74 tỷ USD, tương ứng tăng 19,5%; đá quý kim loại quý và sản phẩm tăng 1,45 tỷ USD, tương ứng tăng 3,3 lần.
Các mặt hàng này được xuất khẩu sang các thị trường, cụ thể như sau: thị trường châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN) đạt 135,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất (51,3%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; châu Mỹ đạt 73,89 tỷ USD, chiếm 27,3%; châu Âu (EU) đạt 47,27 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 17,9%; châu Đại dương đạt 4,46 tỷ USD, chiếm 1,7% và châu Phi đạt 3,12 tỷ USD, chiếm 1,2%.
Đồng thời, khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ là “bàn đạp” thuận lợi giúp xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU.
Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới luôn có yêu cầu cụ thể về chất lượng sản phẩm thông qua việc quy định áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu. Một số tổ chức phi chính phủ, hiệp hội bán lẻ còn công bố các tiêu chuẩn riêng của mình nhằm tạo ra những công cụ kỹ thuật quan trọng để quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên thị trường tại nhiều nước công nghiệp phát triển.
Điều này đặt ra vấn đề nếu chúng ta muốn hàng hóa nhanh chóng hội nhập và được đặt trên kệ hàng của các quốc gia thì các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Đơn cử như việc hàng hóa cần dán một số loại nhãn chất lượng nhất định như dấu CE, UL, hay RoHS.
Chứng nhận sản phẩm - giải pháp giúp hàng hóa vượt rào kỹ thuật
Theo đó, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp xuất khẩu về các loại chứng nhận CE, UL, RoHS và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nhà cung ứng của nước ngoài, vượt qua hàng rào kĩ thuật (TBT)… Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chứng nhận sản phẩm theo các Chương trình chứng nhận CE-marking, UL, RoHS”, nhiệm vụ này thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Nghiên cứu mở ra hướng tiếp cận mới cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nâng cao kiến thức cho đội ngũ chuyên gia tư vấn về chứng nhận CE- marking, UL và RoHS thông qua các chương trình đào tạo cho chuyên gia tư vấn, đào tạo và hỗ trợ, hướng dẫn một số doanh nghiệp xuất khẩu cần chứng nhận CE, UL, RoHS.
(Nguồn: Số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu năm 2018)
Theo TS. Bùi Bá Chính, Giám đốc Trung tâm Đổi mới công nghệ Việt-Hàn (INCENTECH), để thực hiện nghiên cứu đề tài, nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra khảo sát 100 doanh nghiệp của Việt Nam có nhu cầu về chứng nhận CE, UL, RoHS. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy 92 doanh nghiệp đã từng nghe nói về chứng nhận CE, UL, RoHS, 87 doanh nghiệp tham gia khảo sát quan tâm tới chứng nhận CE, UL, RoHS, 75 doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu quan tâm tới chứng nhận CE-marking, UL, RoHS. 100 doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn được nhận hỗ trợ, hướng dẫn chứng nhận CE, UL, RoHS. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện nghiên cứu có hạn, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn một số doanh nghiệp phù hợp và có khả năng tiếp cận quá trình xin chứng nhận để thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ xin chứng nhận CE, UL, RoHS.
Qua kết quả điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng tới chất lượng sản phẩm hàng hóa, chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm sản xuất ra đảm bảo không chỉ phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước mà còn phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Sự chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong tìm hiểu và tiếp cận các chứng nhận CE, UL, RoHS sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang các quốc gia.
Theo TS. Bùi Bá Chính, đề tài “Nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chứng nhận sản phẩm theo các Chương trình chứng nhận CE-marking, UL, RoHS”, không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhận được “vé thông hành” còn là cơ sở lý luận và thực tiễn cho các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nắm bắt được nhu cầu, thực trạng về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như cơ hội xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp và hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế.
Lê Thanh Tùng