Tại Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2021, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các chính sách thương mại và nhu cầu mạnh mẽ từ Châu Âu.
Cụ thể, nhu cầu thép ở Châu Âu được dự báo sẽ tăng 10,2% vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2022. Bên cạnh đó, EU đã gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh những lợi thế về chính sách, doanh nghiệp thép Việt Nam còn sở hữu lợi thế cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp tại Châu Âu nhờ chi phí sản xuất thấp.
Thời gian tới, VDSC kỳ vọng mức tiêu thụ HRC sẽ vẫn ở mức cao. Mức chênh lệch giá thép cao giữa Châu Âu - Bắc Mỹ và Việt Nam cho phép các doanh nghiệp chuyên sản xuất HRC như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG/HoSE) và Formosa có lợi nhuận xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu tôn mạ có thể vẫn tích cực nhờ giá thép cạnh tranh ở Việt Nam và lĩnh vực xây dựng ở Châu Âu - Bắc Mỹ có thể tiếp tục phục hồi.
Riêng mảng thép xây dựng, VDSC dự báo nhu cầu của loại thép này sẽ yếu trong ngắn hạn do miền Nam - nơi chiếm 34% sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đang trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm trong quý III/2021. Tuy nhiên, tiêu thụ có thể phục hồi trong quý IV nhờ yếu tố mùa vụ và các dự án bị hoãn lại trong quý III, dù vậy, vẫn phụ thuộc vào tình trạng dịch bệnh.
Về việc giá thép đang ở mức cao, VDSC cho rằng giá thép sẽ khó hạ và có thể duy trì ở mức cao cho đến nửa đầu năm 2022 do nhu cầu tăng ở các nước khác ngoài Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác của Brazil còn chậm.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nỗ lực cắt giảm sản lượng và nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường Châu Âu - Bắc Mỹ sẽ hỗ trợ giá thép ổn định ở mức hiện tại cho đến nửa đầu năm 2022.
PV