Phương Thành Tranconsin đề xuất hai phương án đầu tư cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên theo hình thức PPP Thái Nguyên: Kinh tế trang trại tạo giá trị 1.600 tỷ đồng mỗi năm |
Bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động đang phủ bóng lên hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên. Tính đến hết tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt khoảng 10,2 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng nhóm hàng điện tử – trụ cột chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu – đã sụt giảm gần 5%. Những con số này phản ánh rõ sức ép từ căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại, sự suy yếu tại các thị trường lớn như châu Âu, và đặc biệt là chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ.
![]() |
Thái Nguyên tìm lối đi cho xuất khẩu giữa vòng xoáy suy giảm toàn cầu (Ảnh: TTXVN) |
Đơn hàng giảm mạnh khiến các doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước bài toán sinh tồn. Điển hình như Công ty TNHH UTI Vina – doanh nghiệp phụ trợ của Samsung chuyên xuất khẩu linh kiện điện thoại sang Ấn Độ – đang sản xuất cầm chừng do đối tác cắt giảm hơn 20% đơn hàng. Trong khi đó, nhóm sản phẩm từ sắt thép cũng lao dốc nhẹ với mức giảm gần 2% so với cùng kỳ. Áp lực không chỉ đến từ thị trường mà còn từ nội tại chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào và giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, thay vì bị động, nhiều doanh nghiệp tại Thái Nguyên đang chọn cách chủ động vượt khó. Tập đoàn Samsung – “đầu tàu” xuất khẩu với tổng giá trị hàng năm khoảng 25 tỷ USD – đang thay đổi chiến lược, chuyển hướng sang châu Âu và Trung Đông nhằm giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, nơi họ đang đối diện nguy cơ áp thuế cao. Động thái này không chỉ giúp Samsung giữ nhịp tăng trưởng mà còn thúc đẩy sự linh hoạt toàn chuỗi cung ứng tại địa phương.
Ở khối doanh nghiệp trong nước, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG lại nhìn thấy cơ hội từ cuộc chơi thương mại toàn cầu. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục tăng thuế với hàng dệt may từ Trung Quốc, nhiều nhà máy có thể dịch chuyển sang Việt Nam, và TNG sẵn sàng đón đầu xu thế. Bên cạnh việc gia tăng sản lượng, TNG đầu tư mạnh vào tự động hóa với hệ thống robot AGV, ứng dụng AI, Big Data và nền tảng quản trị ERP để tăng năng suất và kiểm soát chi phí. Doanh nghiệp này cũng tích cực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như Nga, EU và Đông Nam Á – những vùng đất hứa còn nhiều dư địa phát triển.
Một điểm sáng đáng chú ý là mảng khai khoáng công nghệ cao. Công ty Masan High-Tech Materials – đơn vị sở hữu mỏ đa kim và nhà máy tinh luyện Vonfram lớn nhất Việt Nam – đang tận dụng cơ hội từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại quý hiếm. Trong quý I/2025, doanh thu từ Vonfram tăng 117 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong khi Florit đạt 300 tỷ đồng – gần gấp đôi cùng kỳ 2024. Đây là động lực đáng kể giúp Thái Nguyên giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới.
Đứng trước dự báo quý II/2025 sẽ tiếp tục khó khăn, chính quyền tỉnh Thái Nguyên không đứng ngoài cuộc. Sở Công Thương đang bám sát tình hình biến động thị trường, cập nhật chính sách quốc tế để kịp thời tham mưu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn DN về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc tế và tối ưu hoá chi phí logistics.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đàm phán lại với đối tác để chia sẻ rủi ro thuế quan, trong khi một số khác ưu tiên tăng cường nội lực bằng cách làm chủ nguồn cung nguyên liệu và ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đang giúp Thái Nguyên biến nguy thành cơ. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 30 tỷ USD – tăng khoảng 9% so với năm 2024 – là một thách thức không nhỏ, nhưng nếu các chiến lược ứng phó tiếp tục được thực hiện quyết liệt, cơ hội về đích là hoàn toàn khả thi.