Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động và đẩy nhanh phục hồi thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã cùng đồng triển khai Lễ ký kết Chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động.
Chương trình có sự tham gia của ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME), ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Nhận định về bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng: "Việt Nam và thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và nó yêu cầu tất cả các quốc gia phải chuyển mình một cách nhanh chóng, đúng hướng và có hiệu quả. Ngay trong đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai nội dung này. Trong đó, chúng ta đặc biệt quan tâm đến gói chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19".
Kể từ khi Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 116 của Chính phủ được ban hành vào năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trân trọng ghi nhận và đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ nói chung và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nói riêng trong việc hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, quay trở lại hoạt động sản xuất – kinh doanh và tham gia vào các chuỗi cung ứng.
"Cụ thể, theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 126, Bộ LĐ-TB&XH đã hỗ trợ được tổng cộng khoảng 1.075.000 lượt người sử dụng lao động và trên 62,2 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí khoảng 123.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề xuất thành công với Quốc hội về việc gia hạn thời gian làm thêm lên 60 giờ/tháng và 300 giờ/năm để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3 sắp tới. Đây là những con số hết sức ấn tượng và nó đem lại niềm tin, sức sống rất lớn cho xã hội. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp và người lao động tiếp tục hy vọng và tin tưởng chắc chắn rằng Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH sẽ có các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong Quý II/2022", ông Thân chia sẻ.
Về phía Hiệp hội, giai đoạn 2020-2021 là thời điểm tương đối khó khăn, tuy nhiên chúng tôi vẫn tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Trong 2 năm qua, Hiệp hội đã tổ chức hơn 80 lớp đào tạo kỹ năng cho chủ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức khoảng 20 chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến và hàng trăm chương trình kết nối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về tài chính của các chủ doanh nghiệp, Hiệp hội đã chủ động nghiên cứu và đưa vào vận hành thành công mô hình chi lương linh hoạt. Và cho đến nay, Hiệp hội đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 80.000 người lao động và đang tiếp tục hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho 300.000 người lao động trong năm 2022. Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và VINASME đều có một mục tiêu và quyết tâm chung là làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động có được cuộc sống tốt đẹp hơn, ít suy tư lo nghĩ hơn để tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thay mặt Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân cũng đánh giá: "Những vấn đề mà chúng ta bàn thảo ngày hôm nay đều là những nội dung rất quan trọng mang tính lâu dài cho người lao động, như vấn đề về phát triển thị trường lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tuyên truyền, vận động người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện trả lương linh hoạt cho người lao động. Do vậy, chúng tôi rất mong muốn được lắng nghe cụ thể hơn từ các cơ quan, đơn vị chuyên môn và các chuyên gia để định hình được các giải pháp và cơ chế phối hợp hoạt động trong thời gian tới".
Bảo Bảo - Hồng Hạnh